CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG SAU 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 29 – CT/TW

Trong 10 năm qua, công tác quản lý ATVSLĐ đã được đẩy mạnh nhất là sau khi Chỉ thị số 29-CT/TW và Luật An toàn, vệ sinh lao động được ban hành. Nhận thức của các cấp quản lý, người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động ATVSLĐ đã chú trọng đến công tác phòng ngừa tai nạn lao động (sau đây gọi là TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (sau đây gọi là BNN), tăng cường cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất, gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường, mở rộng việc quản lý ATVSLĐ ra khu vực phi chính thức…Tuy nhiên, tình trạng mất ATVSLĐ vẫn diễn ra nhiều, tình hình TNLĐ, BNN vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Phạm vi thống kê TNLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động từ năm 2016, số liệu thống kê ngày càng đầy đủ hơn, cộng thêm sự gia tăng về quy mô lao động, sản xuất, đặc biệt trong một số ngành lĩnh vực như xây lắp, điện, cơ khí, khai khoáng, số tuyệt đối về TNLĐ có xu hướng gia tăng về số vụ, nhưng mức độ nghiêm trọng đã giảm.TNLĐ chủ yếu xảy ra đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về mất an toàn lao động và gia tăng ở khu vực không có quan hệ lao động (với việc thống kê TNLĐ tại khu vực không có quan hệ lao động được triển khai tốt hơn theo từng năm). Trên thực tế, tình hình TNLĐ còn phức tạp do chưa được thống kê đầy đủ. BNN ngày càng gia tăng (một phần do hiện nay đã có thêm 04 loại BNN mới, từ 31 BNN lên 35 BNN), ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động.

          Công tác huấn luyện, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh TNLĐ, BNN và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động

 Kết quả đạt được

Về công tác đào tạo, giáo dục chung

Nội dung ATVSLĐ đã được đưa vào chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học. Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức xây dựng và đưa 05 giáo trình môn học ATVSLĐ và các tài liệu kèm theo giáo trình phục vụ dạy học trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp các khối ngành kiến trúc, xây dựng; công nghệ kỹ thuật mỏ – địa chất; kinh tế; y tế; sư phạm thể dục thể thao vào giảng dạy trong hệ thống các nhà trường đào tạo, dạy nghề. Trong khuôn khổ Dự án 3 về tăng cường an toàn vệ sinh lao động thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 đã tiếp tục triển khai và hoàn thiện nội dung, giáo trình về ATVSLĐ đã được xây dựng giai đoạn 2011 – 2015 vào các Chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện xây dựng Chương trình, tài liệu giảng dạy và bộ tài liệu phục vụ dạy – học,  tổ chức giảng dạy thử nghiệm sau khi xây dựng ở quy mô nhỏ ngay tại trường Đại học Giao thông Vận tải).Tuy nhiên, hiện nay trong Chương trình quốc gia về ATVSLĐ đã không còn nội dung này nên không có kinh phí để hỗ trợ triển khai tiếp. Một số trường đại học đã mở mã ngành đào tạo kỹ sư bảo hộ lao động, cử nhân bảo hộ lao động, thạc sĩ ATVSLĐ; một số trường đã tổ chức đạo tạo tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật, quản lý về ATVSLĐ.

Các cơ sở đào tạo, giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề, các doanh nghiệp đã có biện pháp lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN, quản lý rủi ro, bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động.Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã quy định chương trình đào tạo nghề nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; đáp ứng phân bố hợp lý giữa khối lương kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và định kỳ rà soát cập nhật, bổ sung cho phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016, phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó đã quy định 8 bậc trình độ, nhằm chuẩn hóa năng lực, đưa ra chuẩn đầu ra để đánh giá đầy đủ cả về lý thuyết, kiến thức thực tế, kỹ năng và ứng xử. Luật Việc làm năm 2013, tại Điều 4 đã quy định 03 nguyên tắc về việc làm, trong đó có nguyên tắc bảo đảm việc làm trong điều kiện ATVSLĐ.

Nội dung giảng dạy ATVSLĐ trong các trường đại học đã được cải thiện, bao gồm các nội dung chính sau: Các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; kỹ thuật ATVSLĐ; công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Trong đó, thời gian chủ yếu tập trung cho giảng dạy các nội dung chuyên môn kỹ thuật về ATVSLĐ. Thời lượng dành cho việc giảng dạy công tác ATVSLĐ cũng rất khác nhau dao động từ 15 tiết đến 360 tiết (không kể các trường chuyên ngành như trường Đại học Công đoàn, Đại học Tôn Đức Thắng  1200 tiết).

Đối với trương trình giáo dục nghề nghiệp,việc giảng dạy nội dung ATVSLĐ được lồng ghép vào  các môn học. Tuy nhiên, đa số các trường chỉ dạy lí thuyết mà không dạy thực hành, đây là một nhược điểm rất lớn trong công tác  đào tạo, giảng dạy về ATVSLĐ.

Huấn luyện ATVSLĐ cho sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Thái Nguyên

Chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng, phòng ngừa TNLĐ, BNN đã được chuẩn hóa. Triển khai Luật ATVSLĐ, Chính phủ đã quy định về Chương trình khung huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng, từ cán bộ quản lý doanh nghiệp, người làm công tác ATVSLĐ và người lao động. Nghị định đã yêu cầu tổ chức huấn luyện đào tạo căn cứ Chương trình khung đã quy định để xây dựng các nội dung đào tạo, huấn luyện phù hợp thực tế, phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ sản xuất trong từng lĩnh vực, nghề, công việc mà người lao động phải đảm nhận.

Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho viên chức, người lao động về nâng cao kiến thức công tác quản lý, khai thác hiệu quả các phòng thí nghiệm, tổ chức vận hành an toàn phòng thí nghiệm và xử lý sự cố phòng thí nghiệm…

Trung binh mỗi năm, các Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố đã tổ chức lớp trên 46.000 lớp đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho hàng triệu người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (nguồn báo cáo Bộ LĐTBXH tổng hợp).Công tác tuyên truyền đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động đã bước đầu được triển khai thực hiện thông qua các hoạt động trong tháng ATVSLĐ. Tại một số địa phương, các huyện, thị đã tổ chức lễ phát động với sự tham gia của người lao động trong các doanh nghiệp và cả người lao động trong khu vực dân cư, làm việc không theo hợp đồng lao động; tổ chức xe tuyên truyền lưu động trên dọc tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, khu đông dân cư trên địa bàn; phát hành tờ rơi, tranh và tài liệu tuyên truyền tới người dân.

Công tác đào tạo cho lao động nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới

Từ năm 2013 đến nay ở cấp trung ương đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho khoảng 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, trong đó:

– Khoảng 10.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản.

– Khoảng 10.000 người sử dụng máy, thiết bị, điện, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Cùng với đó, việc xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu hoặc chuyên đề về công tác bảo hộ lao động hằng nằm đã được chú trọng chỉ đạo triển khai như: công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy, công tác sơ cấp cứu người khi bị TNLĐ, tác hại và biện pháp phòng tránh việc tiếp xúc với hóa chất hoặc các loại thuốc bảo vệ thực vật; các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học trong môi trường nhiệt độ thấp hoặc môi trường biển xa, núi cao cho người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trực tiếp tổ chức được 230 lớp tập huấn về đánh giá rủi ro và phương pháp cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp (WIND) trong nông nghiệp các nội dung về đảm bảo an toàn điện, an toàn trong sử dụng máy, thiết bị và an toàn trong sử dụng hóa chất nông nghiệp cho 27.600lượt cán bộ, hội viên nông dân tại 63 tỉnh, thành phố.Thông qua các hoạt động tập huấn đã xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở. Mạng lưới tuyên truyền viên thường xuyên tổ chức các cuộc tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm giúp nông dân thực hiện cải thiện về ATVSLĐ đồng thời nhân rộng các cải thiện điển hình ra các địa phương.Kết quả: Đã có hàng nghìn cải thiện vềATVSLĐ liên quan tới an toàn máy, an toàn trong sử dụng điện, an toàn trong sử dụng hóa chất nông nghiệp, bố trí sắp xếp công việc khoa học nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn trong quá trình lao động sản xuất được nông dân thực hiện sau tập huấn. Một số tỉnh triển khai được nhiều cải thiện như: Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, TP Hà Nội, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Thái Bình….Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp lồng ghép tổ chức được 50.400cuộc tập huấn, hội thảo, tọa đàm, truyền thông, đối thoại chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho trên 6 triệu lượt hội viên nông dân.

Công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, bảo đảm ATVSLĐ đã được đưa vào các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho bộ đội phục viên, xuất ngũ.Trên cơ sở Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ và Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp-Việc làm – An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng các chương trình cấp tỉnh và bố trí kinh phí giao cho Sở LĐTBXH, Y tế, Liên đoàn lao động chủ trì và phối hợp với các ngành thực hiện thông tin, tuyên truyền về pháp luật ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, người lao động.

Hội nông dân đã tích cực triển khai thực hiện, kết hợp giữa đào tạo chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN, quản lý rủi ro, đảm bảo ATVSLĐcho học viên. Qua 10 năm, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam và 33 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội đã đào tạo được 619 lớp với tổng số 21.409 học viên.Hội Nông dân các cấp đã phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 2.087.328 lượt nông dân; trong đó trực tiếp dạy nghề và cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận cho 233.178 lượt người; phối hợp tổ chức dạy nghề cho 1.854.150 lượt người.

 Tồn tại, hạn chế

(1) Môn học ATVSLĐ vốn được coi là một môn học phụ trong các trường học cho nên chưa nhận được sự quan tâm chỉ đạo của nhà trường và thái độ học tập của sinh viên cũng chưa thật sự coi trọng môn học này.  Việc  tuyên truyền, phổ biến thông tin và xây dựng văn hoá ATVSLĐ cho  người lao động ngay từ khi còn trên ghế nhà trường chưa thật sự được chú ý và tác động mạnh tới tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam  thể hiện qua sự an toàn, tính năng tiện dụng của sản phẩm.

(2) Có kết quả đạt được như trên, nhưng chỉ một bộ phận tổ chức đào tạo, huấn luyện và doanh nghiệp phát triển và sử dụng các chương trình, nội dung tương đối phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất sát thực tế cho từng nơi làm việc, còn nhiều nội dung đào tạo, huấn luyện còn nặng lý thuyết, thiếu thực hành, thực tế điều kiện lao động và đặc điểm máy, thiết bị và công nghệ trong từng lĩnh vực, làm giảm hiệu quả phòng ngừa TNLĐ, BNN.

(3) Tại khu vực không có hợp đồng lao động, công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện kỹ năng phòng ngừa TNLĐ cho người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động, hộ kinh doanh, nông dân nên kết quả còn hạn chế, chưa lan toả được đến đông đảo người lao động.

(nguồn báo cáo của Bộ LĐTBXH)

Nguyên nhân

(1) Nhận thức của Người sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ sát thực tế chưa cao.

(2) Cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ vẫn còn chưa chặt chẽ.

(3) Kinh phí, nguồn lực danh cho khu vực không có hợp động lao động rất hạn chế.

Nguyễn Thu Phương

X