CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CHÚNG TÔI

TRUNG TÂM QUỐC GIA VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG 

Đơn vị trực thuộc Cục An toàn Lao động – Bộ Lao động Thương binh & Xã hội.

Chức năng, nhiệm vụ chính

a. Chức năng:

Đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động, bảo hộ lao động, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

b. Nhiệm vụ:

– Biên soạn tài liệu, nội dung, chương trình huấn luyện về an toàn lao động, bảo hộ lao động, vệ sinh lao động cho các khóa HL;

– Nghiên cứu, xây dựng các phương pháp giảng dạy, huấn luyện mới, tiên tiến, hiện đại về an toàn – vệ sinh lao động;

– Huấn luyện, bồi dưỡng cho huấn luyện viên, giảng viên nguồn về an toàn – vệ sinh lao động;

– Huấn luyện chuyển giao các kiến thức mới về an toàn – vệ sinh lao động như:

+ Các phương pháp, biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc;

+ Sự ảnh hưởng của các yếu tố nguy hiểm, các yếu tố có hại tới sửc khỏe con người;

+ Sử dụng vận hành an toàn các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh lao động;

+ Giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm an toàn – vệ sinh lao động ở các nước tiên tiến;

– Hướng dấn, huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn vệ sinh lao động và người lao động;

– Tham gia đánh giá chất lượng các hoạt động huấn luyện, đào tạo về an toàn – vệ sinh lao động;

– Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động.

 

CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, NGUY HIỂM, ĐỘC HẠI
 

Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

            KS.Tạ Trung Dũng

Ngày 13.10.1995 Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tiếp tục các năm sau, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành 5 Quyết định bổ sung danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại.

Các Quyết định ban hành danh mục nghề trên đã đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý về AT – VSLĐ, thực hiện chế độ đối với người lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khoẻ cũng như bảo đảm an toàn lao động     

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng về kỹ thuật, công nghệ cũng như sự quan tâm cải thiện điều kiện lao động hiện nay, việc thực hiện các quy định đối với người lao động làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại (NN,NH,ĐH) đã nảy sinh những vấn đề bất cập, chúng ta sẽ cùng nhìn nhận, xem xét một số vấn đề sau:

Trên cơ sở danh mục các công việc NN, NH, ĐH và đặc biệt NN, NH, ĐH các văn bản pháp luật đã quy định thực hiện công tác AT-VSLĐ trong đào tạo huấn luyện, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị bảo hộ lao động, bồi dưỡng hiện vật, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi. Nhiều nội dung trong các quy định đã và đang được đề cập đến tính khả thi, trong phạm vi này, chúng ta cùng xem xét quy định trong thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Theo quy định thời giờ làm việc đối với các công việc đặc biệt NN, NH, ĐH được rút ngắn 02 giờ trong ca, tức là chỉ làm việc không quá 06 giờ. Thời giờ làm thêm không quá 03 giờ trong ngày và không quá 09 giờ trong tuần theo quy định tại Thông tư số 16/TT-LĐTBXH ngày 23/4/1997 của Bộ LĐTBXH. Việc làm thêm chỉ áp dụng được với các công việc hoạt động có tính thời vụ, các công việc có tính liên tục việc thực hiện làm thêm giờ rất hãn hữu. Để thực hiện đúng các quy định trên, nhiều đơn vị phải bố trí làm việc theo chế độ 4 ca – 5 kíp thay vì làm việc 3 ca – 4 kíp như hiện nay, đây sẽ là sức ép lớn cho việc bố trí lao động, đặc biệt cho những công việc đòi hỏi trình độ, tay nghề cao.

Chúng ta liên hệ lao động làm ở một số lĩnh vực, công việc như người lao động vận hành nồi hơi tại nhà máy phát điện hoặc người lao động vận hành hệ thống nén khí có áp suất lớn hơn 8 bar. Đây là các công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại thuộc nhóm V, trong danh mục theo quy định. Các lao động này chỉ làm việc 6 giờ trong ca, nhưng trong thực tế hiện nay, tất cả lao động này đều  phải làm việc 8 giờ/ ca. Việc không tuân thủ này đã vi phạm quy định theo Điều 11 của Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 06/5/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động.

Với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ ngày nay thì việc vận hành nồi hơi của nhà máy nhiệt điện hoặc hệ thống máy nén khí đã được tự động hóa rất nhiều, xét về mức độ nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại của công việc cũng đã được cải thiện rõ rệt, các yếu tố nguy hiểm, độc hại đã tách rời khỏi công việc của người lao động, do đó người lao động vẫn có thể đảm bảo làm việc 8 giờ/ ca với các công việc này trong điều kiện môi trường làm việc đã phân tích trên.

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và tránh lãng phí xã hội, cần thiết phải quy định lại thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc đặc biệt NN, NH, ĐH theo hướng xác định yếu tố, mức độ nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại trong quá trình làm việc của người lao động chứ không theo danh mục công việc như hiện nay./.

 

Trả lời