Ngày 1/10, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động đã tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2020.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Thư ký Hội đồng Hà Tất Thắng cho biết: Ngay sau đối thoại năm 2019, Hội đồng đã tổng hợp ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp và tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư ban hành danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên cơ sở rà soát, hợp nhất 1.784 danh mục công việc đã tồn tại từ những năm 1995; Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo đó giải quyết một số vấn đề chưa rõ trong quá trình triển khai quy định này.
Tại cuộc đối thoại lần này, các thành viên của Hội đồng cũng đã giải đáp một số ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như: nên quy định cụ thể, chi tiết hơn về những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và quy định thời gian huấn luyện định kỳ với mức độ nặng nhọc, độc hại của từng công việc; giải quyết chế độ đối với người bị tai nạn lao động bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; cách tính phụ cấp cho an toàn, vệ sinh viên…
Đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương cũng đưa ra các ý kiến, thảo luận nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động…
Khẳng định tầm quan trọng của việc đối thoại định kỳ về công tác an toàn vệ sinh lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động hoan nghênh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã gửi nhiều ý kiến, nhiều đề xuất đến Hội đồng và có sự có mặt tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước để cùng lắng nghe, chia sẻ, bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, quy định của nhà nước trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là những sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng Quốc gia. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng Quốc gia trong phiên họp thường kỳ tháng 11 để tư vấn cho Chính phủ.
Nguồn: TTXVN