BA VỤ TAI NẠN KHIẾN 17 NGƯỜI CHẾT: KHÔNG THỂ NGẪU NHIÊN!

Trong chưa đầy một tháng, tại 3 địa phương, 3 tai nạn lao động cướp đi sinh mạng 17 người thực sự đã gióng lên hồi chuông lớn báo động về an toàn lao động.

Hôm 1-5, một vụ nổ lò hơi xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) làm 6 người chết, 5 người bị thương.

Tổn thất lớn

Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế biến đồ gỗ gia đình với khoảng 200 lao động. Thời điểm xảy ra vụ nổ có 42 công nhân đang làm việc. Đáng chú ý, dù từng phát hiện có trục trặc về kỹ thuật và công ty báo với đơn vị cung cấp thiết bị đến để bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 30-4 nhưng tới hôm sau thì sự việc tang thương xảy ra.

Còn 9 ngày trước đó, hôm 22-4, tại Công ty CP Xi-măng và Khoáng sản Yên Bái (tỉnh Yên Bái), một nhóm công nhân tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền thì bất ngờ xảy ra sự cố, 7 người tử vong tại chỗ. Nguyên nhân bước đầu được xác định là khoảng trống thông tin dẫn tới thiếu sự phối hợp giữa các nhân sự trong công tác vận hành máy móc.

Cũng tháng 4, ở Quảng Ninh, 4 công nhân của Công ty Than Thống Nhất ra đi mãi mãi sau sự cố hầm lò… Ba vụ việc xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước với tổn thất không nhỏ về người ấy thực sự đã gióng hồi chuông về an toàn lao động.

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy năm 2023 toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người gặp nạn, trong đó 662 vụ có số người chết là 699. Tổng chi phí thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng, hơn 149.770 ngày công… Và đây là thống kê chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động được chỉ ra, phần lớn thuộc các trường hợp người sử dụng lao động thiếu quan tâm, chưa chú ý thực hiện quy định pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc. Ngoài ra, có nhiều lao động chưa được huấn luyện an toàn lao động cũng như thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp vẫn còn rất hạn chế, tâm lý chủ quan…

Dù rằng xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nạn nhân, công nhân, người làm việc trực tiếp phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất.

Hiện trường vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai cướp đi sinh mạng 6 lao động

Không có chỗ đứng của sự chủ quan

Với các nước phát triển, công tác an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu và được quản lý chặt chẽ. Việc phân định cụ thể trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cá nhân và liên đới từng người, từng khâu trong các bộ phận có liên quan nếu để xảy ra mất an toàn lao động rất rõ ràng.

Chủ sử dụng lao động một khi vi phạm quy định pháp luật, không có phương án an toàn lao động dẫn đến tai nạn chết người sẽ bị chế tài nghiêm khắc, rút giấy phép hoạt động, ngoài phạt nặng có thể bị xử lý hình sự. Thêm nữa, người lao động còn được khuyến khích, thưởng cao cho những sáng kiến, biện pháp an toàn.

Do vậy, chủ doanh nghiệp rất quan tâm công tác an toàn, tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, quy trình làm việc, ưu tiên những biện pháp an toàn. Chẳng hạn, dù chỉ có vài công nhân làm việc nhưng doanh nghiệp vẫn bố trí cán bộ có chuyên môn giám sát an toàn lao động.

Trở lại câu chuyện 3 tai nạn cướp đi 17 người ở trên, đã tới lúc cần biện pháp mạnh, giải pháp tổng thể, kiểm tra chéo. Chủ doanh nghiệp phải chú trọng công tác bảo đảm an toàn lao động thường xuyên, có bộ phận giám sát chuyên môn theo hệ thống. Những kế hoạch vĩ mô, mục tiêu kinh tế, sản xuất hay gia công, cải cách đột phá… phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh trên cơ sở bảo đảm an toàn lao động.

Sự cố máy nghiền ở Yên Bái làm 7 người tử vong

Cấp địa phương gần với doanh nghiệp nhất, khu công nghiệp, khu chế xuất và Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội, nên tăng cường hướng dẫn chuyên môn, tập huấn về an toàn lao động, tổ chức hội nghị đối thoại. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp phải luôn chú trọng việc chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại, nhận diện những rủi ro để phòng tránh ngay từ đầu.

Hãy xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm được giao quản lý mà vi phạm quy định dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng để răn đe các trường hợp lơ là, thiếu biện pháp an toàn lao động.

Tai nạn lao động không nên và không bao giờ được phép vịn vào lý do ngẫu nhiên nữa!

Xây dựng văn hóa an toàn

Tai nạn lao động không loại trừ bất kỳ ai, trường hợp nào bởi có những yếu tố bên ngoài mà những người làm việc trực tiếp không thể nhìn thấy để tránh.

Tuy vậy, người sử dụng lao động có thể lường trước rủi ro. Cùng với đó, việc tuân thủ quy định an toàn lao động, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các máy móc và thiết bị đã sử dụng lâu ngày, xây dựng quy trình và văn hóa an toàn lao động… của họ chính là những biện pháp hạn chế tối đa những tổn thất về người và tài sản.

Nguồn: https://baomoi.com/ba-vu-tai-nan-khien-17-nguoi-chet-khong-the-ngau-nhien-c49004762.epi?utm_source=dapp&utm_medium=zalofeed&utm_campaign=share

X