CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN ĐỂ KIỂM SOÁT VÀ PHÒNG CHỐNG TAI NẠN NGÃ CAO TẠI VIỆT NAM

Làm việc trên cao là các công việc phổ biến đặc trưng trong lĩnh vực thi công xây dựng, cùng với các lĩnh vực sửa chữa – lắp đặt trong các ngành công nghiệp khác. Phạm vi công việc mà người lao động phải thực hiện ở trên cao là rất rộng và đa dạng, công việc này được thực hiện thường xuyên trong các lĩnh vực công nghiệp lẫn phi công nghiệp. Đứng trước nhu cầu về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa chữa – bảo dưỡng… nhằm phục vụ cho việc phát triển của nền kinh tế, trong những năm gần đây tai nạn lao động do ngã cao là một trong những tại nạn chiếm tỷ lệ cao nhất trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam cũng như trên thế giới (Hình 1 và Bảng 1).

Hình 1. Thống kê tai nạn lao động theo công việc tại UK năm 2021

(Nguồn: HSE Annual Statistics, 4 Nov 2021)

Bảng 1. Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất

trong lao động tại Việt Nam (nguồn Bộ LĐTB&XH)

Quy định về làm việc trên cao tại Việt Nam:

Theo quy định tại các văn bản hiện hành tại Việt Nam hiện nay thì khi người lao động làm việc từ độ cao 2m trở lên (so với mặt bằng nơi làm việc) thì phải trang bị các loại phương tiện bảo vệ các nhân và các phương án an toàn để đảm bảo sự an toàn đối với người lao động trong quá trình làm việc (QCVN 18:2014/BXD; QCVN 01: 2020/BCT; Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH).

Các vị trí, công việc người lao động làm việc trên cao:

Từ các quy định cụ thể của các Bộ/ngành nêu trên về làm việc trên cao thì công việc làm việc trên cao bao gồm các công việc sau:

– Phạm vi công việc khi người lao động làm việc trên cao trong lĩnh vực thi công xây dựng:

+ Làm việc trên thang, trên các loại dàn giáo, nôi treo di động.

+ Làm việc trên mái có độ cao từ 2m trở lên và các loại mái có độ dốc lớn hơn 25°.

+ Làm công việc sửa chữa trên các loại máy – thiết bị xây dựng (mà có độ cao hơn 2m) như: Máy xúc, cần trục, cầu trục, vận thăng xây dựng…

+ Làm việc gần nơi có lỗ hổng, không gian mở như: Gần hố thang máy, thi công gần vị trí ban công, lan can, cầu thang lên xuống…

+ Các công việc liên quan đến lắp đặt, tháo dỡ cốp-pha, ván khuôn ở trên cao, trên mái, gần nơi có lỗ hổng, không gian mở.

+ Các công việc liên quan đến đổ bê tông, công tác hoàn thiện gần các lỗ hổng, ban công, lan can, cầu thang…

+ Làm việc trên cao kết hợp với sử dụng các loại thiết bị sửa chữa, lắp đặt cầm tay có sử dụng nguồn điện.

– Phạm vi công việc khi người lao động làm việc trên cao trong các lĩnh vực công nghiệp khác:

+ Tất cả các công việc ở độ cao từ 2m trở lên hoặc dưới 2m nhưng vẫn tồn tại các yếu tố nguy hiểm có hại có thể gây tai nạn cho người làm việc (như vật sắc nhọn, thuỷ tinh, nước, axit…).

+ Làm việc trên cao gần các nguồn điện hoặc dây dẫn điện cao thế.

+ Làm các công việc ở trên cao mà không lắp đặt hệ thống sàn đứng cố định cho người lao động…

Một số nguyên nhân chính gây nên các tai nạn ngã cao:

– Làm việc trên cao nhưng không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân và lập các phương án an toàn trong quá trình làm việc, cụ thể như sau:

Không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân như giầy chống trượt, dây an toàn khi làm việc trên cao.

Không sử dụng các phương tiện làm việc trên cao như các loại thang, các loại dàn giáo, giáo treo, nôi treo… để tạo ra chỗ làm việc và đi lại an toàn cho công nhân trong quá trình thi công ở trên cao.

Không lập phương án an toàn cụ thể cho các công việc khi người lao động làm việc ở trên cao trong các điều kiện thực tế khác nhau.

– Làm việc trên cao có sử dụng các phương tiện làm việc an toàn nhưng không đúng quy định và đảm bảo chất lượng cụ thể như sau:

Sử dụng các phương tiện làm việc ở trên cao không bảo đảm các yêu cầu an toàn gây ra sự cố tai nạn, do những sai sót vi phạm mang tính riêng biệt hoặc trùng hợp của 4 khâu: Thiết kế, chế tạo; lắp dựng; tháo dỡ; sử dụng.

Sai sót vi phạm trong quá trình sử dụng dàn giáo: Chất vật liệu quá nhiều, hoặc tập trung đông người trên sàn thao tác gây ra quá tải; không thường xuyên kiểm tra tình trạng dàn giáo để sữa chữa, thay thế kịp thời các bộ phận đã hư hỏng.

Nguyên nhân do sai sót thiết kế: Xác định sơ đồ và tải trọng tính toán không đúng với điều kiện làm việc thực tế. Các chi tiết cấu tạo và liên kết các bộ phận thành không phù hợp với khả năng và điều kiện gia công chế tạo.

Sai sót do gia công chế tạo: Vật liệu sử dụng kém chất lượng (gãy nứt, cong vênh mọt rỉ…); gia công không chính xác theo kích thước thiết kế; liên kết mối hàn không bền chắc.

Sai sót trong dựng lắp, tháo dỡ: không đúng kích thước các khoảng cách theo thiết kế (giữa các cột theo hai phương dọc, ngang; chiều cao giữa các tầng). Cột dàn giáo đặt nghiêng gây ra lệch tâm các lực tác dụng thẳng đứng dẫng tới quá ứng suất; không bố trí đủ và đúng vị trí các điểm neo dàn giáo vào công trình thi công; dàn giáo đặt trên nền đất yếu gây ra lún; khi dựng lắp dàn giáo công nhân không đeo dây an toàn; vi phạm trình tự lắp đặt và tháo dỡ.

– Làm việc trên cao nhưng không thiết lập các biện pháp tổ chức quản lý đúng theo quy định hiện hành của pháp luật lao động, cụ thể như sau:

Bố trí công nhân không đủ điều kiện làm việc trên cao, sức khỏe không bảo đảm (phụ nữ có thai, người có bệnh tim, huyết áp, tai điếc, mắt kém…); công nhân chưa được huấn luyện về chuyên môn và an toàn vệ sinh lao động.

Không xây dựng nội quy, quy định, quy trình kỹ thuật, kỷ luật lao động tại nơi làm việc.

Thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên để phát hiện ngăn chặn và khắc phục kịp thời các hiện tượng làm việc trên cao thiếu an toàn.

Các biện pháp kiểm soát an toàn khi làm việc trên cao:

Hiện nay, trên thế giới thường sử dụng hai loại biện pháp an toàn chính để phòng chống các tai nạn ngã cao, đó là hệ thống an toàn thụ động và hệ thống an toàn chủ động:

– Hệ thống an toàn thụ động: Là hệ thống không cần sự tham gia của người lao động, nghĩa là hệ thống giúp cho người lao động cho dù không thực hiện các quy định cần thiết để phòng chống ngã cao. Ví dụ như bằng cách lắp đặt hệ thống lưới chống rơi…

– Hệ thống an toàn chủ động: Là hệ thống phòng chống ngã cao cần người lao động sử dụng hệ thống một cách chủ động để phòng tránh rơi ngã như việc đeo dây đai an toàn, lắp đặt lan can – hành lang an toàn, vạch cảnh báo, các hệ thống giám sát an toàn…

Tuy nhiên, để kiểm soát và phòng chống các tai nạn ngã cao được hiệu quả thì doanh nghiệp phải chủ động thiết lập nên hệ thống phân cấp ưu tiên trong điều hành, quản lý, làm việc để từ đó có thể chủ động trong việc bố trí, sắp xếp các công việc đối với người lao động khi thường xuyên phải làm việc trên cao (Hình 2).

Hình 2. Thứ tự hệ thống phân cấp kiểm soát an toàn khi làm việc trên cao

– Cấp độ 1: Lựa chọn các giải pháp thực hiện công việc khác, tránh cho người lao động làm việc ở trên cao:

Nguyên tắc cơ bản của quy định làm việc trên cao là nên tránh làm việc trên cao bất cứ khi nào có thể. Về cơ bản, điều này có nghĩa là thực hiện càng nhiều công việc từ mặt đất thì càng tốt, sử dụng các công cụ mở rộng thay vì thang hoặc hạ thiết bị đó xuống mặt đất trước khi sửa chữa nó. Tránh làm việc trên cao cũng có nghĩa là tránh cho người lao động làm việc trên các vị trí đứng không đảm bảo an toàn, ngoài ra khi người lao động làm việc trên cao vẫn có khả năng rơi các dụng cụ, vật tư, thiết bị xuống bên phía dưới có người đang làm việc hay di chuyển. Đây là giải pháp rất khó được các doanh nghiệp ưu tiên thực hiện, phải tuỳ từng công việc cụ thể mới có thể lựa chọn giải pháp kiểm soát này

Cấp độ 2: Đảm bảo tất cả những người làm việc trên cao đều được đào tạo và giám sát đúng quy trình đảm bảo an toàn:

Điều này liên quan đến việc giảm thiểu rủi ro bằng cách cung cấp đào tạo và giám sát đầy đủ để đảm bảo mọi người có thể làm việc an toàn. Người lao động phải được hướng dẫn, huấn luyện về công việc và an toàn để đảm bảo họ áp dụng các hướng dẫn thực hành tốt nhất để thực hiện công việc trên cao, bao gồm cả việc sử dụng bất kỳ thiết bị nào. Ngoài ra, cần phải có người giám sát có đủ thẩm quyền để giám sát thực hiện các công việc của người lao động tại nơi làm việc.

Cấp độ 3: Lựa chọn các thiết bị làm việc an toàn để phòng ngừa tai nạn ngã cao:

Nếu không thể di chuyển các công việc ở trên cao xuống phía dưới được, thì phòng ngừa tốt hơn là giảm thiểu hậu quả của việc ngã cao. Việc phòng ngừa bắt đầu bằng cách chọn thiết bị ngăn ngừa ngã cao, chẳng hạn như những thiết bị có lan can bảo vệ phù hợp… Bạn chỉ nên chọn thiết bị làm việc để giảm thiểu ngã cao, chẳng hạn như lưới an toàn, nếu không thể ngăn ngừa ngã cao.

Cấp độ 4: Đảm bảo rằng thiết bị làm việc phù hợp, ổn định và đảm bảo an toàn:

Người thực hiện nhiệm vụ đối với cấp độ này, thường là người sử dụng lao động, chịu trách nhiệm đảm bảo thiết bị phù hợp, ổn định và đảm bảo an toàn cho các nhiệm vụ đã tính toán, xác định. Để đảm bảo thiết bị phù hợp, họ sẽ cần đánh giá các rủi ro liên quan đến công việc và lựa chọn thiết bị phù hợp, chất lượng theo đúng quy định về an toàn.

Cấp độ 5: Thường xuyên kiểm tra và bảo trì thiết bị làm việc:

Thiết bị làm việc hay vật tư, phụ tùng… phục vụ công việc phải được kiểm tra thường xuyên, kiểm tra kỹ lưỡng và bảo trì. Kiểm tra trước khi sử dụng của người dùng là rất quan trọng để phát hiện các vấn đề hàng ngày và hao mòn, trong khi kiểm tra kỹ lưỡng và bảo trì phải được thực hiện bởi những người có thẩm quyền trong khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào thiết bị.

Cấp độ 6: Cung cấp mọi thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cần thiết và bảo vệ các vật rơi xuống phía dưới trong quá trình làm việc:

Trước khi bố trí người lao động làm việc trên cao, người sử dụng lao động phải cung cấp cho người lao động các loại phương tiện bảo vệ cá nhân như: Mũ an toàn, dây đai an toàn… Đặc biệt trên các công trường xây dựng, mũ an toàn là cần thiết và có thể cũng sẽ được yêu cầu khi làm việc trên cao trong các ngành công nghiệp khác, nơi có nguy cơ rơi từ độ cao và các vật rơi từ trên cao xuống.

Cấp độ 7: Đảm bảo môi trường làm việc an toàn:

Điều này bao gồm xem xét đến cả các điều kiện thời tiết và các mối nguy hiểm lân cận có thể khiến công việc trên cao trở nên không an toàn, chẳng hạn như mưa to, gió lớn và sương mù. Làm việc trên cao cũng có thể liên quan đến việc làm việc gần các chướng ngại vật nguy hiểm, chẳng hạn như đường dây điện và vì vậy điều này cần phải được xem xét.

Cấp độ 8: Lập kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp và cứu nạn:

Chuẩn bị sẵn các kế hoạch khẩn cấp là rất quan trọng trong trường hợp có các sự cố xảy ra. Kế hoạch phải được thông báo và hướng dẫn cho tất cả người lao động tham gia vào công việc ứng cứu và hỗ trợ này.

Cùng với bối cảnh của chung của các nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ để vươn tầm ngang với các quốc gia trong khu vực. Do vậy, nhu cầu tất yếu chúng ta phải đáp ứng một khối lượng lớn về cơ sở hạ tầng để đồng bộ và song hành với sự phát triển của nền kinh tế. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu về xây dựng các dự án nhà cao tầng như: Văn phòng làm việc, nhà ở, trung tâm thương mại, khu công nghiệp; các dự án lớn về công trình giao thông… của các thành phố lớn tại Việt Nam sẽ tăng cao. Do vậy, mật độ và số lượng của các dự án xây dựng tại các thành phố lớn cũng tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nền kinh tế (thực trạng này cũng đã xảy ra đối với các quốc gia phát triển trước Việt Nam chúng ta). Trong khi đó, thực tế đa số người lao động làm việc trong lĩnh vực thi công xây dựng đáp ứng cho các dự án này là chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang, với trình độ văn hóa chưa cao, chưa có tác phong công nghiệp, đồng thời do chưa được huấn luyện đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động và các kỹ năng về chuyên môn khác nên không hiểu biết hết về các mối nguy hiểm cần phải đề phòng khi làm việc tại công trường xây dựng, đặc biệt là làm việc trên cao.

Đứng trước vấn đề này, trong tương lai chúng ta cần phải tính toán kỹ lưỡng cho việc ban hành các chính sách phù hợp nhằm quản lý hiệu quả về chất lượng thi công cũng như vấn đề phòng tránh tai nạn ngã cao trong thi công xây dựng (mà các nước đã phát triển trước Việt Nam đã trải qua).  Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị đủ nguồn kinh phí và những nguồn lực chất lượng để thực hiện được các vấn đề quan trọng nhất về an toàn cần phải triển khai nhằm phòng ngừa, khống chế và kiểm soát được các tai nạn trong thi công xây dựng nói chung và ngã cao nói riêng./.

ThS-KH. Trần Xuân Hiển, Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động

X