Công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động

Kiểm tra và tự kiểm tra là một yêu cầu rất cơ bản, đồng thời cũng là yêu cầu thông thường của bất kỳ công tác chỉ đạo nào. ATVSLĐ thuộc nội dung công tác quản lý của doanh nghiệp, cơ sở, vì vậy công tác kiểm tra và tự kiểm tra về ATVSLĐ cần phải được tăng cường hơn và thực hiện thường xuyên. Qua đó giúp cho lãnh đạo kịp thời phát hiện những thiếu sót để có kế hoạch khắc phục nhằm tích cực ngăn ngừa TNLĐ và BNN.

Kiểm tra và tự kiểm tra về ATVSLĐ còn là biện pháp có tính chất quần chúng, có tác dụng vận động giáo dục đông đảo cán bộ, NLĐ, làm cho cán bộ, NLĐ qua kiểm tra và tự kiểm tra mà nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn và TCVS lao động, khắc phục các thói quen, nếp suy nghĩ thiếu trật tự, thiếu vệ sinh, làm cho công tác BHLĐ thực sự là một công tác của quần chúng lao động và vì NLĐ.

Giám sát thường xuyên là việc tự kiểm tra định kỳ hàng ngày hay hàng tuần nhằm đánh giá thực tế việc NLĐ tuân thủ những quy trình đề ra trong kế hoạch. Thường xuyên thực hiện việc giám sát bằng cách đánh giá lại mỗi quy trình trong hướng dẫn thực hành và sau đó kiểm tra việc thực hiện diễn ra trong thực tế. Trường hợp có sự khác biệt giữa thực tế và quy trình đề ra thì cần phải có hành động cải tiến.

Sau khi hoàn thành việc giám sát thường xuyên, cần viết một báo cáo, bao gồm những lưu ý về mọi điểm thiếu sót còn tồn tại, đề xuất chiến lược cải tiến, nhân sự có trách nhiệm và ngày đánh giá. Khi đã hoàn thiện và kiểm tra, báo cáo này phải được nộp và lưu trữ. Việc giám sát này nên được thực hiện liên tục tại nơi làm việc.

Kiểm tra thực tế là một cách làm hiệu quả trong việc xác định các mối nguy hại tiềm tàng tại nơi làm việc trước khi những nguy cơ này ảnh hưởng xấu đến tình trạng an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Do đó, thực hiện kiểm tra an toàn nơi làm việc là nằm trong quy trình giám sát và cải tiến thường xuyên đồng thời cũng là một trong những bước quan trọng nhất nằm trong kế hoạch ATVSLĐ. Kiểm tra an toàn nơi làm việc giúp xác định việc tiến hành công việc có đạt chuẩn không và là một cách hiệu quả nhất trong việc nhận biết mối rủi ro tiềm tàng.

Mức độ và tính chất của việc kiểm tra an toàn tại nơi làm việc sẽ được quyết định bởi điều kiện thực tế của doanh nghiệp dựa trên một loạt các khía cạnh bao gồm:
– Điều kiện tổng thể/bảo trì nhà xưởng;
– Đường tiếp cận ra vào nhà xưởng;
– Điều kiện của sàn nhà, hành lang, cầu thang và phần bao che nhà xưởng;
– Ánh sáng/thông gió;
– Nhà vệ sinh/công trình phúc lợi;
– Các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường;
– Các hóa chất độc hại;
– Kho tàng, thiết bị lưu trữ, vận chuyển nguyên nhiên vật liệu;
– Các biện pháp ứng cứu khẩn cấp như phòng cháy chữa cháy (từ việc đánh giá nguy cơ hỏa hoạn, đến trang bị biển báo và bình chữa cháy);
– Thiết bị điện/các vị trí tập trung nguồn năng lượng;
– Máy, thiết bị được sử dụng/vận hành trong sản xuất.

Việc sử dụng các mẫu báo cáo thống nhất cấp doanh nghiệp từ các cuộc kiểm tra, giám sát thường xuyên về an toàn nơi làm việc là một trong những ví dụ tốt điển hình. Các mẫu báo cáo này thường bao gồm các phần công việc sau:
– Một bảng kiểm định quy trình, hoạt động và các bộ phận của cơ sở cần kiểm tra;
– Phần xác định các mối nguy hại và các rủi ro tiềm tàng;
– Khoảng trống để ghi những ý kiến về các hành động khắc phục hậu quả hoặc kiến nghị đưa ra;
– Một thời gian biểu cho việc hoàn thành hành động khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, các mục cụ thể trong bảng kiểm định/kiểm tra sẽ phụ thuộc vào từng doanh nghiệp.Không nhất thiết phải thực hiện ở mọi khu vực làm việc vào cùng một thời điểm, việc tự kiểm tra có thể tách riêng từng cuộc riêng biệt. Nhưng cần phải làm một số công việc chuẩn bị trước khi thực hiện công đoạn kiểm tra an toàn nơi làm việc. Khi lập kế hoạch kiểm tra an toàn nơi làm việc, cần đảm bảo rằng:
– Việc kiểm tra được lên kế hoạch tại một thời điểm;
– Tiến hành kiểm tra thường xuyên có tính hệ thống ở mỗi khu vực làm việc;
– Những vấn đề phát hiện phải được ghi chép lại;
– Các quy trình thống nhất trong việc báo cáo tồn tại và thông báo cho quản lý cấp trên về những phát hiện quan trọng;
– Xây dựng hệ thống để theo dõi tiến độ khắc phục các khiếm khuyết còn tồn tại.

Các bước tiến hành tự kiểm tra, đánh giá:
Bước 1: Xây dựng chương trình tự kiểm tra, đánh giá theo đặc điểm sản xuất của doanh nghiệp; được thể hiện bằng văn bản của doanh nghiệp, có sự tham gia của NSDLĐ, đại diện của NLĐ và NLĐ.
Bước 2: Phổ biến toàn doanh nghiệp để mọi đối tượng biết cùng tham gia.
Bước 3: Có cơ chế theo dõi các hoạt động tự kiểm tra đến các đơn vị hoặc các tổ sản xuất.
Bước 4: Tiến hành các hoạt động đánh giá theo nội dung phiếu tự kiểm tra và bảng hệ thống chỉ tiêu tự kiểm tra giám sát.
Bước 5: Viết báo cáo tình hình tự giám sát, đánh giá.

Thời gian và nhân sự
Tuỳ theo tính chất SXKD, NSDLĐ quy định các hình thức và thời hạn tự kiểm tra, giám sát. Với mục tiêu phát hiện nguy cơ và kiểm soát nguy cơ mất an toàn không đảm bảo VSLĐ, các hoạt động tự giám sát cần được tiến hành thường xuyên tại từng vị trí lao động trong ca sản xuất. Các hoạt động tự đánh giá cần được tiến hành đồng thời với các hoạt động tự giám sát để từ đó có các giải pháp kịp thời hạn chế những tác hại của MTLĐ không thuận lợi và giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn. Các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao nên tiến hành đánh giá thường xuyên có thể là hàng ngày, hàng tuần, tháng tùy theo từng đối tượng kiểm tra.

Mọi thành phần, đối tượng trong doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động tự giám sát, đánh giá về môi trường, an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Mạng lưới ATVSV là lực lượng nòng cốt. Khi tiến hành các hoạt động tự đánh giá lồng ghép vào trong chế độ tự kiểm tra việc thực thi pháp luật lao động cần tổ chức đoàn đánh giá, những người tham gia đánh giá phải có đại diện của NSDLĐ, đại diện của NLĐ và NLĐ, có hiểu biết về lĩnh vực môi trường và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Cách thức tiến hành kiểm tra,đánh giá
Trong bất kỳ một chương trình ATVSLĐ nào thì công tác kiểm tra an toàn tại làm việc đóng một vai trò trung tâm trong việc xác định các tình huống có khả năng gây nguy hiểm, thiết lập các lối thoát trong trường hợp khẩn cấp và các biện pháp phòng ngừa mang tính quy tắc. Việc kiểm tra an toàn phải được tiến hành định kỳ. Hơn nữa, các chính sách và quy trình phải được thực hiện một cách hợp lí nhằm đảm bảo việc nhận biết các mối nguy hiểm và loại bỏ chúng. Tại nơi làm việc, tất cả mọi người có trách nhiệm thực hiện hiệu quả công tác an toàn và điều này khởi đầu từ việc kiểm tra an toàn. Nói chung, việc kiểm tra an toàn tại nơi làm việc có thể được thực hiện theo các bước cơ bản nêu dưới đây:

Bước 1. Kiểm tra môi trường làm việc:

– Kiểm tra môi trường chung; Đảm bảo rằng bề mặt đi lại sạch sẽ và không có vật cản gây trơn trượt; Kiểm tra cầu thang có tay vịn, ánh sáng và điều kiện chung; Kiểm tra ánh sáng đầy đủ trong các máy trạm và khu vực chung; Đảm bảo rằng dây điện trong tình trạng tốt, đúng kĩ thuật và tránh được những nguy cơ vấp ngã; Cần chắc chắn rằng tất cả các vật liệu phế thải phải được chứa trong các thùng thích hợp và có dán nhãn; Giới hạn chiều cao của các vật liệu xếp chồng lên nhau để phòng tránh rơi đổ;
– Phân định trách nhiệm rõ ràng cho những người quản lý từng tầng và các nhân viên kiểm soát an toàn khác;
– Bảo đảm phần khu vực ở phía ngoài bố trí hợp lí, các khu vực đỗ xe được bảo dưỡng tốt và việc chiếu sáng luôn được sẵn sàng. Giữ các con đường và lối đi không có vật cản.

Bước 2. Kiểm tra thiết bị vận hành:

– Đảm bảo rằng giấy chứng nhận kiểm tra hiện hành và được đặt đúng vị trí yêu cầu, chẳng hạn như ở trên thang máy hay khu vực nồi hơi; Kiểm tra các hợp đồng bảo dưỡng định kỳ; Kiểm tra các vị trí rò rỉ, dây dẫn, những hao mòn quá mức hoặc những dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ trong các thiết bị;
– Chắc chắn rằng khu vực xung quanh thiết bị sạch sẽ và không có vật cản;
–  Đảm bảo các biện pháp bảo vệ cơ học chẳng hạn cần phải có tấm chắn bảo vệ mắt trong các công việc có yêu cầu;
– Kiểm tra hệ thống thông gió phù hợp;
– Đảm bảo có khu vực riêng để chứa chất hóa học và được đánh dấu rõ ràng.

Bước 3. Các lối thoát hiểm

– Kiểm tra các lối thoát hiểm; Kiểm tra các dấu hiệu thoát hiểm khẩn cấp nhằm chắc chắn rằng các dấu hiệu này có thể được nhìn thấy dễ dàng;  Đảm bảo rằng các hành lang và lối đi không có vật cản; Chắc chắn rằng các cửa ra có thể mở được; Kiểm tra hệ thống đèn trong trường hợp khẩn cấp;Kiểm tra biển cảnh báo các thang máy không được dùng trong trường hợp hỏa hoạn;
– Đảm bảo rằng các số điện thoại khẩn cấp được đăng rõ ràng.

Bước 4. An toàn phòng cháy, chữa cháy

– Kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy; Kiểm tra hệ thống báo động hỏa hoạn;
– Đảm bảo rằng các báo động hỏa hoạn và bình chữa cháy có thể dễ dàng nhìn thấy và dễ dàng tiếp cận; Kiểm tra việc bảo trì cho các bình chữa cháy; Đảm bảo các bình chữa cháy ở vị trí thông thoáng, vừa tầm tay với;
Đảm bảo các cửa thoát hiểm như vị trí ở cầu thang chẳng hạn, luôn được đóng trừ phi các cửa này là cửa tự động đóng. Mở được dễ dàng khi cần thiết.

Bước 5: Chuẩn bị ứng phó với thiên tai

  • Đánh giá việc chuẩn bị trong trường hợp có thiên tai. Chắc chắn rằng các khu vực tập hợp đã được đánh dấu.
  • Phải tuân thủ việc báo cáo bằng văn bản sau quá trình kiểm tra an toàn tại nơi làm việc. Kết quả cần được ghi chép và cần đánh giá sự phù hợp. Trong trường hợp có hành động khắc phục thì cần xác định nội dung tiến hành ngay. Các biện pháp đưa ra cần phải phù hợp với từng tình huống cụ thể.

(Nguồn tin: Tài liệu Hướng dẫn xây dựng Hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNVVN, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ – TB&XH,

 

X