Đảm bảo an toàn công tác phòng chống cháy nổ đối với cơ sở sản xuất kinhdoanh tại các khu công nghiệp

Những năm gần đây, tình hình cháy tại các khu công nghiệp diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại, chủ yếu xảy ra tại những cơ sở sản xuất các mặt hàng dễ cháy, nổ như: Hóa chất, may mặc, giấy, đệm mút, gỗ… Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi các ca sản xuất nghỉ làm việc nên khi được phát hiện thì các đám cháy thường đã lan rộng, gây thiệt hại lớn về tài sản. Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 30 vụ cháy lớn xảy ra tại các khu công nghiệp. Thế nhưng, ở một số doanh nghiệp, công tác phòng chống cháy nổ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Hậu quả của các vụ cháy để lại là rất thảm khốc, ngoài thiệt hại về con người, tài sản, vật chất, các vụ cháy còn gây ảnh hưởng xấu tới môi trường ở các địa phương. Đằng sau các vụ cháy này là nỗi đau của những gia đình bị mất người thân; nhà đầu tư bị thiệt hại kinh tế; nỗi lo lắng của công nhân về một môi trường lao động thiếu an toàn.

Thống kê các loại hình xảy ra cháy trong 06 tháng đầu năm 2022

(Nguồn: Thông cáo báo chí, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

TT Loại hình xảy ra cháy Số vụ Tỷ lệ
1 Cơ sở,doanh nghiệp sản xuấtkinh doanh 183 21,85%
2 Phương tiện giao thông 109 12,85%
3 Nhà ở kết hợp kinh doanh 69 8,14%
4 Trụ sở làm việc 14 1,65%

Nguyên nhângây nên cháy, nổ tại các khu công nghiệp:

Những vụ cháy nổ tại các khu công nghiệp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có các nguyên nhân cụ thể như sau:

* Nguyên nhân khách quan:

– Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng từ hiện tượng biến đổi khí hậu nên thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài dẫn đến nguyên vật liệu, hàng hóa dễ cháy.

– Nhiều cơ sở trong khu công nghiệp đã xây dựng từ lâu nên điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy chưa được bảo đảm. Bên cạnh đó, các công trình, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy có tình trạng xuống cấp do đã vận hành trong một thời gian dài.

– Cơ sở hạ tầng về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa được kiện toàn đồng bộ so với quy mô của hạ tầng cơ sở tại các khu công nghiệp; công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông…phục vụ cho việc chủ động ngăn ngừa phòng chống cháy nổ chưa thực sự khoa học và phù hợp với nhu cầu đáp ứng của thực tế xã hội.

* Nguyên nhân chủ quan:                                            

– Do người đứng đầu các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy, chưa nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân của mình trong việc đôn đốc công nhân viên chấp hành các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy, tự kiểm tra phòng cháy chữa cháy.

– Việc đầu tư kinh phí cho hạng mục phòng cháy chữa cháy không được tính toán hoặc tính toán chưa đầy đủ trong thiết kế kiến trúc, kết cấu công trình và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, các trang thiết bị chữa cháy ban đầu ở nhiều cơ sở thường xuyên trong tình trạng chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng…

– Các cơ sở doanh nghiệp thường tự cơi nới, mở rộng, thay đổi công năng sử dụng của một số hạng mục công trình như bố trí thêm văn phòng làm việc trong nhà xưởng sản xuất; nhà xưởng kết hợp làm nơi chứa hàng hóa, thành phẩm; sử dụng đường cho xe chữa cháy làm nơi tập kết hàng, thường sử dụng các vật liệu dễ cháy làm trần nhà chống nóng, làm lớp bảo ôn cách nhiệt cho hệ thống điều hòa, thông gió…

– Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi nhuận sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng cháy chữa cháy, còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các kiến nghị về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn phòng cháy chữa cháy.

– Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về công tác phòng chống cháy nổ chưa thực sự hiệu quả triệt để do lực lượng thanh kiểm tra chuyên ngành về phòng chống cháy nổ còn mỏng trong khi số lượng các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp thì ngày càng lớn và gia tăng về số lượng.

Thống kê nguyên nhân xảy ra cháy năm 2021

(Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

TT Nguyên nhân các vụ cháy Số vụ Tỷ lệ
1 Sự cố hệ thống, thiết bị điện 1024 46,93%
2 Bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt, lửa 322 10,5%
3 Sự cố kỹ thuật 81 2,95%
4 Vi phạm quy định về PCCC 18 0,97%
5 Do tác động của các hiện tượng thiên nhiên 09 0,3%

Biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu công nghiệp:

Để ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ và công tác phòng cháy hiệu quả, trước hết chúng ta cần thực hiện một số nhóm giải pháp cụ thể như sau:

* Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh:

Một là,phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý các khu công nghiệp, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó phải có chế tài cụ thể buộc các doanh nghiệp phải thành lập và hoàn thiện mô hình đội chữa cháy chuyên ngành tại các khu công nghiệp theo đúng quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy 2013 và các quy định liên quan.

Hai là, phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy, xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy chữa cháy tại khu công nghiệp. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cho các đội phòng cháy chữa cháy cơ sở trong các khu công nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp khẩn trương ban hành quy định, nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy và tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên.

Ba là, doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy thường xuyên, định kỳ hằng ngày, nhất là vào các thời điểm sau khi tan ca sản xuất để phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót và các nguồn nhiệt do sơ suất có thể dẫn đến cháy.

Bốn là, phải rà soát, phân loại hàng hóa, vật tư nguyên liệu theo tính chất nguy hiểm cháy nổ, trên cơ sở đó bố trí sắp xếp, bảo đảm khoảng cách an toàn  phòng cháy chữa cháy, ngăn cháy lan bên trong nhà xưởng trong khu vực cơ sở hoặc cháy lan từ ngoài vào trong và ngược lại… Mặt khác, khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các cơ sở sản xuất, nhà kho tại các khu công nghiệp phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, quy định về phòng cháy chữa cháy theo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Đặc biệt chú ý về công năng sử dụng của công trình, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, trang bị các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan.

Năm là, phải kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy chữa cháy.Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy cho toàn khu công nghiệp. Bên cạnh đó, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và bảo đảm tình trạng nguồn nước chữa cháy, bảo đảm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu cả về lực lượng và phương tiện.

Sáu là,tăng cường hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc cùng với người sử dụng lao động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình – biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.

* Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan:

Một là,liên tục kiểm tra rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống cháy nổ nhằm hướng đến việc hoàn thiện và kiện toàn về mặt chất lượng trong tính pháp lý của từng văn bản quy định đối với từng chủ thể, hạng mục sản xuất kinh doanh cũng như tính chất, quy mô của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn cả nước. Trong đó, đặc biệt là các quy định về phòng chống cháy nổ liên quan đến các đối tượng, phạm vi, hạng mục… tham gia trong quá trình sản xuất kinh doanh đặc thù có nguy cơ về phát sinh cháy, nổ cao.

Hai là, các cấp, ngành, các địa phương, các cơ quan quản lý về phòng chống cháy nổ cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện thông tin về tầm quan trọng của các hoạt động phòng chống cháy nổ, phát huy hiệu quả phòng cháy chữa cháy tại chỗ, tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động phòng cháy chữa cháy.

Sơ đồ mô hình phối hợp các cấp trong quan hệquản lý, chỉ đạo

về an toàn phòng chống cháy nổ

Ba là thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy để đảm bảo luôn luôn ở chế độ thường trực; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo định kỳ quy định. Tổ chức đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy để lực lượng này đủ năng lực làm tốt công tác phòng ngừa và chữa cháy tại chỗ. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH xây dựng đủ mạnh cả về lực lượng và trang thiết bị hiện đại để kịp thời ứng phó với những sự cố xảy ra.

Bốn là,tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử phạt, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cơ sở có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, nổ. Đối với những cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Năm là,tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật an toàn trong phòng chống cháy nổ. Đặc biệt là các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định cụ thể đối với việc quản lý, sử dụng máy – thiết bị, nguyên vật liệu, các chất có nguy cơ cháy nổ cao. Cùng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ đối với doanh nghiệp, người lao động, các nguyên vật liệu sử dụng trong sản xuất kinh doanh…

Theo dự báo khả quan từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về khả năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới, tốc độ phát triển của Việt Nam sẽ ở mức khá cao và ổn định trên thế giới (duy trì mức tăng trưởng hàng năm từ 7→7,5%). Điều này phần nào cho thấy là số lượng các doanh nghiệp lớn trên thế giới sẽ đầu tư vào Việt Nam (đặc biệt là các ngành: sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, da giày, hoá chất…), đây thực sự là cơ hội thuận lợi trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế và khoa học sản xuất của Việt Nam nhưng cũng sẽ tạo ra đầy thách thức đối với việc quản lý về an toàn phòng chống cháy nổ đối với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

Công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu công nghiệp – khu chế xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng không những của Chính phủ mà còn của cả các cấp, ngành có liên quan, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của các Ban quản lý khu công nghiệp, lực lượng PCCC&CNCH tại địa phương và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức về phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong công tác này nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ragóp phần tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.Ngoài ra, để hạn chế triệt để các nguy cơ về cháy, nổ tại doanh nghiệp thì cần phải có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nhằm đảm bảo ổn định cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần giữ vững an ninh trật tự, xây dựng môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tạo đà phát triển bền vững về kinh tế, xã hội cho địa phương, cho đất nước./.

———————————————————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Thông cáo báo chí về tình hình cháy, nổ năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022  – Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.

[2]. “Five ways to prevent industrial fires and explosions”,by HafcoVac in Blog,

Combustible Dust & OSHA, on April 27, 2020.

[3]. “Preventing the Five Major Causes of Industrial Fires and Explosions”,StephenWatkins, Occupational Health and Safety, Feb 07, 2017.

[4]. “Fall Prevention and Protection” Principles Guidelines and Practices, Hongwei Hsiao, CRC Press, Taylor & Francis Group, 2017.

[5]. “Fire Protection Systems”,Third Edition– by A. Maurice Jones, Jr – 2021by Jones & Bartlett Learning, LLC, an Ascend Learning Company.

[6]. “Vietnam Bucks Asia’s Weakening Growth Trend”, By Era Dabla-Norris, Federico J. Díez and Giacomo Magistretti, September 6, 2022, IMF Country Focus.

ThS.KH. Trần Xuân Hiển, Trung tâm Quốc gia về ATVSLĐ, Cục An toàn lao động,

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

X