Đánh giá Dự án hỗ trợ phát triển nâng cao năng lực cho Trung tâm Huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động của Việt Nam từ Chính phủ Hàn Quốc

 

Sau khi chính phủ 02 nước Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22 tháng 12 năm 1992. Đến năm 2003, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động với Bộ Lao động và Việc làm của Hàn Quốc thông qua Cơ quan an toàn sức khỏe nghề nghiệp Hàn Quốc (KOSHA) và Cục An toàn lao động (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về phía Việt Nam.

Trên cơ sở, Hàn Quốc là một đất nước có nền công nghiệp rất phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ trước và đặc biệt là hai nước có những nét văn hóa tương đồng với nhau. Trong khi đó, thực trạng về công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam vào thời điểm thập niên 90 và những năm đầu thập niên 2000 còn rất hạn chế cả về chính sách pháp luật lẫn chế tài xử phạt hành chính. Do vậy, sự cần thiết phải thiết lập quan hệ hợp tác song phương về an toàn vệ sinh lao động với Hàn Quốc đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Việt Nam) ưu tiên đặt lên hàng đầu nhằm học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý cùng với cách thức để hoạch định các chính sách về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam được tốt hơn trong tương lai.

Trong giai đoạn đầu (từ 2003 đến 2010) phía Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ đào tạo các chương trình ngắn hạn về an toàn vệ sinh lao động cho các cán bộ công chức, viên chức của Cục An toàn lao động và Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động tại Hàn Quốc cũng như tại Việt Nam.

Đoàn làm việc của Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội thăm và làm việc với Cơ quan an toàn sức khỏe nghề nghiệp của Hàn Quốc (KOSHA) năm 2010

Trải qua 07 năm hợp tác toàn diện và hiệu quả trong lĩnh vực này, năm 2010 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Cơ quan an toàn sức khỏe nghề nghiệp của Hàn Quốc (KOSHA) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác “Dự án phát triển nâng cao năng lực cho Trung tâm Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thành Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động” từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA). Với mục tiêu đạt được cụ thể là đào tạo cho Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động có đội ngũ chuyên gia, giảng viên chuyên nghiệp về các lĩnh vực kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động và xây dựng cơ sở vật chất huấn luyện thực hành hiện đại, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu thực tế cho công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020. Tổng kinh phí của Dự án lên đến 5.88 triệu USD (trong đó phía Chính phủ Việt Nam hỗ trợ 2.48 triệu USD) và được chia làm ba hạng mục chính: Đào tạo chuyên gia (trình độ Thạc sỹ), giảng viên về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động; cung cấp lắp đặt các trang thiết bị phục vụ đào tạo thực hành về an toàn vệ sinh lao động; xây dựng cơ sở vật chất cho cơ sở đào tạo lý thuyết và thực hành về an toàn vệ sinh lao động.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Dự án được chia làm hai giai đoạn:

– Giai đoạn 01 (từ 2010 – 2012): Phía Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan an toàn sức khỏe nghề nghiệp (KOSHA) đã trợ giúp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên an toàn vệ sinh lao động thông qua các khoá huấn luyện, hội thảo về an toàn vệ sinh lao động tại Hàn Quốc. Ngoài ra, KOSHA đã cử các chuyên gia tư vấn dài hạn (01 năm), ngắn hạn (01 – 02 tuần) sang làm việc tại Việt Nam và thực hiện tư vấn xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động, tư vấn về chính sách huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và thực hiện các khoá đào tạo cho cán bộ, giảng viên của Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động. Hỗ trợ tài liệu giảng dạy và các ấn phẩm tuyên truyền, bao gồm 04 loại tài liệu hỗ trợ giảng dạy về an toàn cháy nổ, an toàn điện, an toàn xây dựng, an toàn lao động chung. Thông qua sự hỗ trợ này, năng lực giảng dạy của cán bộ của Trung tâm được nâng cao. Nhiều nội dung giảng dạy đã được áp dụng tốt trong các khoá huấn luyện an toàn xây dựng, cơ khí, điện, máy thi công xây dựng… và đặc biệt là được nâng cao rất nhiều trong kỹ năng giảng dạy cho các cán bộ giảng viên.

– Giai đoạn 02 (từ 2013 – 2016): Đây là giai đoạn quan trọng trong việc triển khai thực hiện lắp đặt và chuyển giao công nghệ các thiết bị phục vụ đào tạo thực hành về an toàn vệ sinh lao động cùng với đào tạo chuyên gia về an toàn vệ sinh lao động cho phía Việt Nam tại Hàn Quốc. Các kết quả chính thực hiện trong giai đoạn này cụ thể như sau:

+ Đào tạo 03 chuyên gia (trình độ Thạc sỹ) và 22 cán bộ cho 11 khóa học tổng quan về an toàn vệ sinh lao động tại Hàn Quốc, chuyển giao 12 khóa huấn luyện chuyên đề về kỹ thuật an toàn cho các giảng viên của Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động tại Việt Nam.

+ Lắp đặt các thiết bị phục vụ giảng dạy cho 03 phòng học lý thuyết tại Cơ sở đào tạo thực hành Sơn Tây; lắp đặt các hệ thống đào tạo thực hành trải nghiệm về an toàn vệ sinh lao động trong các lĩnh vực: xây dựng, cơ khí, thiết bị áp lực, vệ sinh lao động, ứng cứu khẩn cấp… cùng các thiết bị thực hành trải nghiệm vận hành các loại máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.

+ Chuyển giao các tài liệu huấn luyện theo chuyên đề phục vụ cho các khóa huấn luyện thực hành về an toàn vệ sinh lao động; xe buýt 25 chỗ phục vụ việc đào tạo, huấn luyện lưu động.

+ Xây dựng hệ thống phòng học lý thuyết, nhà xưởng phục vụ việc huấn luyện thực hành, ký túc xá cho học viên tại cơ sở đào tạo Sơn Tây.

Qua 03 năm khẩn trương triển khai thực hiện trong việc lắp đặt, chuyển giao các thiết bị thực hành về an toàn vệ sinh lao động từ phía Hàn Quốc và xây dựng hệ thống nhà xưởng thực hành, phòng học và ký túc xá… phục vụ cho việc huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động từ phía Việt Nam. Đến nay, Dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 2016.

Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (thứ 5 từ trái sang) trong lễ cắt băng khánh thành Dự án

Kết quả của Dự án này đã giúp cho Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động có điều kiện hoàn thành hơn nữa để thực hiện sứ mệnh của mình là góp phần nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cho đối tượng là người sử dụng lao động, cán bộ an toàn và người lao động đưa ra các biện pháp cải thiện điều kiện lao động nhằm giảm thiểu tỷ lệ tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp đáp ứng mục tiêu cụ thể của Chương trình Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 5 tháng 01 năm 2016.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, phía Trung tâm đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và làm việc nhiệt tình của các chuyên gia đến từ Cơ quan an toàn sức khỏe nghề nghiệp (KOSHA) và sự phê duyệt, ủng hộ về tài chính từ phía Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đã đặt ra theo kế hoạch của cả hai bên Việt Nam và Hàn Quốc.

Kết quả của dự án này, thực sự đã góp phần thúc đẩy phát triển cả về các mặt chất và lượng nhằm giúp cho Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động trở thành Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động hàng đầu tại Việt Nam, cũng như mang tầm vóc quốc tế trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động. Thực tế đã chứng minh trong thời gian sau khi dự án kết thúc đến nay, vai trò sứ mệnh của Trung tâm đã giúp cho Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cùng một số Bộ, ngành liên quan ban hành kịp thời các chính sách về an toàn vệ sinh lao động phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế như: chính sách về huấn luyện – kiểm định kỹ thuật an toàn; chính sách về xâu dựng định mức – chi phí huấn luyện; chính sách về tiêu chuẩn người huấn luyện – kiểm định viên an toàn vệ sinh lao động…

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò – sứ mệnh của Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động là có thể trực tiếp can thiệp nhằm thúc đẩy cho sự phát triển về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và xa hơn nữa là trên phạm vi toàn thế giới, thì sự cần thiết hơn nữa mong muốn nhận được sự hợp tác từ phía Chính phủ Hàn Quốc cùng chính phủ các quốc gia khác trong khối APEC cho việc tư vấn, hỗ trợ về xây dựng năng lực – cơ sở vật chất đối với Trung tâm nói riêng và Việt Nam nói chúng nhằm thiết lập giúp Trung tâm có được một đội ngũ nguồn lực chất lượng cao, cùng với các chính sách quản lý về hành chính và an toàn vệ sinh lao động phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện./.

Trần Xuân Hiển

************************************************

Tài liệu tham khảo, viện dẫn:

  1. Hồ sơ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2010 – 2015 (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).
  2. Văn kiện Dự án Hợp tác giữa KOICA – MOLISA (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).
  3. National profile on Occupaional Safety and Health in Vietnam (2006) – Ministry of Labour, Invalids and Social Affairs – International Labour Organization.
  4. Protecting and saving live at work: The emerging challenge in Asia (1994) – Intrnational Labour Office.
  5. Preventive measures in hazardous occupations in Asia: A guide (1994) – Intrnational Labour Office.
  6. KOSHA – 2011. Korea Occupational Safety and Health Agency. KOSHA October Newsletter. pp 2-10.
X