Từ tháng 7/2021 đến nay, các cơ quan đã hỗ trợ gần 81,3 nghìn tỷ đồng cho trên 49,7 triệu lao động và gần 728,5 nghìn người sử dụng lao động theo Nghị quyết của Chính phủ.
Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về lao động – việc làm, mặc dù còn tình trạng thiếu cục bộ, song chúng ta nhìn bức tranh tổng thể, thấy phục hồi tương đối tốt. Tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp giảm so với cùng kỳ.
Một đánh giá của tổ chức độc lập cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương của chúng ta hiện nay là 7,4 triệu đồng/ tháng, như vậy là tăng 417.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ người lao động có thu nhập ổn định, tăng so với cùng kỳ là 78,55%, đây là điều rất đáng mừng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương và các bộ quan tâm, hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến ngành. Cụ thể, ông đề nghị địa phương tập trung thực hiện Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Người đứng đầu ngành lao động cho biết, ngày 3/7, Chính phủ đã có Quyết định 791 hỗ trợ 6.600 tỷ đồng và hỗ trợ tất cả các địa phương với vốn 100% dùng ngân sách Trung ương cho 3,4 triệu người theo danh sách mà các địa phương đã gửi về.
Vì vậy, các địa phương, sử dụng ngân sách Trung ương này để hỗ trợ, trong trường hợp, vượt quá số danh sánh địa phương đã lập gửi về trung ương thì địa phương tự cân đối ngân sách. Đối với các địa phương không cân đối được, do khó khăn hoặc không đủ nguồn lực thì phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cân đối. “Chúng tôi đề nghị phấn đấu xong trong tháng 7 này, vì tiền đã có rồi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị triển khai Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về mức tiền lương tối thiểu người lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7. Đối tượng được tăng lương theo Nghị định là người lao động có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát, trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, Việt Nam đã đạt một số kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất siêu 710 triệu USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo trên 3,5 triệu tấn; đáp ứng đủ điện, xăng dầu; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, thị trường lao động phục hồi nhanh.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 417.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ gần 81,3 nghìn tỷ đồng cho trên 49,7 triệu lao động và gần 728,5 nghìn người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, 126, 116 của Chính phủ.
Các hoạt động chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Đã quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 150.000 người lao động với kinh phí là 98,6 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề.
Vì vậy, tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững.
“Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công…, tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế với xăng dầu. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.
Quản lý chặt chẽ giá cả, phòng chống đầu cơ, tích trữ găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu. Bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn Lịch sử ở cấp THPT; ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với vấn đề học phí và giá sách giáo khoa, tinh thần chung là giảm chi phí, không gây khó khăn hơn cho học sinh và phụ huynh.
Theo báo điện tử Dân Trí