MẠNG THÔNG TIN QUỐC GIA VỀ AN TOÀN – VỆ SINH LAO ĐỘNG

 

Sáng ngày 09/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên Mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022.

Tham dự Hội nghị có bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam; Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH); Ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cùng đại diện các cơ quan thành viên Mạng, các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong cả nước.

Mục đích của Hội nghị nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động về ATVSLĐ, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thành viên vì mục tiêu phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Thời gian qua, hoạt động của Mạng thông tin Quốc gia đã mở rộng kết nối, chia sẻ, phối hợp thường xuyên trong nhiều hoạt động, như: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; Tổ chức đối thoại định kỳ hội đồng quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ; Cung cấp thông tin, phát hành các báo, tạp chí, bản tin ATVSLĐ; Xây dựng, chia sẻ, góp ý, đề xuất các giải pháp về ATVSLĐ tại các hội nghị, hội thảo khoa học, chuyên đề…

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu khai mạc Hội nghị

Các cơ quan thành viên mạng cũng quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của Bộ LĐTBXH trong công tác ATVSLĐ, thích ứng với bối cảnh phòng chống dịch bệnh như Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó quy định chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Đã có nhiều phong trào, chương trình thu hút được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp, người lao động như phong trào Xanh – Sạch – Đẹp do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động; Hội thi toàn quốc cho người làm công tác ATVSLĐ lần thứ nhất, thứ 2 được tổ chức tại Quảng Ninh và Vũng Tàu và Hội thi toàn quốc cho người làm công tác huấn luyện AT … do Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan thành viên mạng tổ chức đã thu hút sự quan tâm và lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi pháp lý, diễn đàn trao đổi, chia sẻ hiệu quả, thiết thực tới các doanh nghiệp, cán bộ, an toàn viên, người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác huấn luyện trong công tác ATVSLĐ.

Đại diện của Trung tâm Quốc gia về ATVSLĐ trình bày tham luận

Tại Hội nghị Trung tâm Quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động cũng đã cử đại diện trình bày tham luận về “Nhu cầu hỗ trợ thông tin huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với doanh nghiệp. Đề xuất và kiến nghị” như sau:

Thực trạng về công tác huấn luyện ATVSLĐ

Công tác huấn luyện AT,VSLĐ đã được xã hội hóa một cách mạnh mẽ, thu hút được các nguồn lực xã hội (các trường, viện, các DN, cơ sở…) trong cả nước tham gia công tác huấn luyện.

Pháp luật có sự điều chỉnh rõ ràng về tiêu chuẩn giảng viên huấn luyện lý thuyết và chuyên ngành; có qui định cụ thể về chương trình khung, các nội dung huấn luyện cho 6 nhóm; có qui định cụ thể về điều kiện tiêu chí thành lập và hoạt động của các tổ chức dịch vụ huấn luyện như về cơ sở vật chất, máy thiết bị huấn luyện, số lượng giảng viên cơ hữu…

Một số quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất với nội dung của các Luật được Quốc hội ban hành.

Công tác huấn luyện cũng tồn tại một số hạn chế đó là: tình trạng các tổ chức, DN làm dịch vụ huấn luyện làm sai, cắt bớt thời gian tổ chức huấn luyện; cắt giảm chi phí đểcạnh tranh về giá nên hiệu quả công tác huấn luyện chưa đồng đều; việc huấn luyện thực hành vẫn chưa được chú trọng…;

Hệ thống giáo trình, tài liệu trong một số ngành, nghề chưa được hoàn thiện, chuẩn hóa cho các khối ngành, nghề; nhiều ngành, nghề thiếu giảng viên được đào tạo bài bản, chuyên ngành về ATVSLĐ phù hợp.

Trung tâm Quốc gia về ATVSLĐ

Trung tâm Quốc gia về An toàn – vệ sinh lao động, tiền thân là Trung tâm Huấn luyện an toàn – vệ sinh lao động được thành lập từ năm 2004 theo Quyết định số 1176/QĐ-BLĐTBXH ngày 16/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục An toàn lao động.

Trải qua hơn 16 năm hoạt động, Trung tâm là đơn vị luôn đi đầu trong công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên phạm vi cả nước giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các nội dung chương trình mang tính hình mẫu cho các tổ chức dịch vụ ATVSLĐ áp dụng nhằm tăng cường chất lượng công tác ATVSLĐ góp phần cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động của các doanh nghiệp. Trung tâm ngày càng lớn mạnh và phát triển trên nhiều lĩnh vực dịch vụ về ATVSLĐ. Trung tâm đã thực hiện đào tạo hàng chục nghìn cán bộ quản lý, người làm công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty và hàng triệu lượt người lao động; quan trắc môi trường lao động cho hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn cả nước; đào tạo ngắn hạn sơ cấp nghề cho hàng nghìn người lao động và kiểm định hàng nghìn thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Ghi nhận quá trình xây dựng và phát triển không ngừng của Trung tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ký ban hành QĐ số: 16/QĐ-LĐTBXH ngày 08/01/2021 về việc đổi tên và kiện toàn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Huấn luyện An toàn – Vệ sinh lao động  thành “Trung tâm Quốc gia về An toàn – vệ sinh lao động” tên giao dịch quốc tế là “National Center for Occupationl Safety and Heath” viết tắt là “NCOSH”.

Trung tâm có 3 chức năng và 17 nhiệm vụ được Bộ giao thực hiện các hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ATVSLĐ: Đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; Quan trắc môi trường lao động, Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, Đào tạo nghề ngắn hạn, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ thử nghiệm, chứng nhận máy, thiết bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tư vấn về ATVSLĐ; Hợp tác quốc tế….

Đề xuất và kiến nghị trong công tác huấn luyện ATVSLĐ

Chuẩn hóa các giáo trình, tài liệu huấn luyện theo các nhóm ngành; mở rộng việc biên soạn; cung cấp các bài giảng điện tử cho một số nhóm đối tượng;

Đào tạo đội ngũ người huấn luyện về AT,VSLĐ chuyên nghiệp, NÊN XEM XÉT LỰA CHỌN NHỮNG ĐƠN VỊ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG (có chuyên môn và phương pháp sư phạm); đa dạng cho các ngành, nghề;

Cần xem xét, nghiên cứu và có lộ trình phù hợp để đưa nội dung ATVSLĐ vào giảng dạy bắt buộc theo các hình thức môn học riêng hoặc tích hợp/lồng ghép với các môn học khác trong tất cả các trường ĐH, CĐ, TCCN các khối/ngành

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ trực quan phục vụ giảng dạy ATVSLĐ cần được chú trọng đầu tư để việc giảng dạy lý thuyết gắn chặt với thực hành, nâng cao được hiệu quả giảng dạy

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực huấn luyện ATVSLĐ

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền huấn luyện ATVSLĐ, áp dụng công nghệ thông tin vào việc triển khai công tác huấn luyện ATVSLĐ

Biểu dương và có những hình thức công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác huấn luyện ATVSLĐ

Nguyễn Thu Phương

 

X