Nam sinh 16 tuổi bị máy tiện cuốn đứt lìa cánh tay trong giờ học thực hành

Trong giờ học thực hành tại trường Cao đẳng nghề số 4 (Nghệ An), nam sinh Nh. không may bị máy tiện cuốn khiến cánh tay phải bị đứt, không thể nối lại.

Tai nạn trong giờ học thực hành

Ngày 15/12, anh Trần Đức Mậu (SN 1977, trú TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, anh đã làm đơn gửi lên lãnh đạo trường Cao đẳng nghề số 4 (đóng ở đường Hoàng Phan Thái, TP. Vinh, Nghệ An) cùng một số cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết về việc con trai của anh bị tai nạn trong giờ học thực hành tại trường này.

Trong đơn thư, anh Mậu trình bày, tháng 9/2019, con trai anh là cháu Trần Đức Nh. (16 tuổi) vào nhập học tại trường Cao đẳng nghề số 4 theo chương trình vừa học văn hóa vừa học nghề Cơ khí, Khoa Cắt gọt kim loại.

Nam sinh 16 tuổi bị máy tiện cuốn đứt lìa cánh tay trong giờ học thực hành - Ảnh 1.

Trường Cao đẳng nghề số 4 nơi nam sinh Nh. theo học.

Chiều 25/6 vừa qua, Nh. cùng 7 học sinh khác đến học tại phòng học thực hành tầng 1 ODA khoa cơ khí. Thời điểm này, các học sinh được cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang đưa 1 đoạn sắt dài yêu cầu cắt phôi (cắt ra từng đoạn sắt ngắn – PV) để học thực hành tiện ren.

Do máy cắt phôi hỏng nên các học sinh được cô giáo hướng dẫn cắt phôi trên máy tiện số 02 của phòng học thực hành.

Khoảng 14h46′ cùng ngày, Nh. sử dụng máy tiện để cắt xong 2 đoạn phôi cho mình để học tiện ren. Quá trình đưa sản phẩm sang máy tiện khác và trở về chỗ ngồi, Nh. bị máy tiện cuốn đứt lìa cánh tay.

Đoạn thanh sắt cô đưa khi gắn vào máy tiện để cắt phôi thì dài quá nên bị thừa ra bên ngoài máy 1 khúc khoảng 30cm. Lối đi này hẹp nên khi đi ngang qua, áo sau lưng em bị đoạn sắt này cuốn vào.

Lực quay thanh sắt này rất nhanh và chỉ 2-3 giây là cuốn cánh tay phải em đứt lìa. Lúc đó áo em bị cuốn chặt vào thanh sắt. Em còn bị máy vật ngã xuống nền nhà, chấn thương ở cả tay trái, đầu, mông. Sự việc diễn ra quá nhanh nên không ai kịp tắt máy. Lúc đó cô giáo đang đi ra ngoài“, Nh. kể lại.

Nam sinh 16 tuổi bị máy tiện cuốn đứt lìa cánh tay trong giờ học thực hành - Ảnh 2.

Hiện trường nơi nam sinh Nh. bị máy tiện cuốn đứt cánh tay phải.

Sau khi xảy ra sự việc, các học sinh trong lớp sau đó đã đi báo cho thầy cô đến sơ cứu và đưa Nh. đi bệnh viện cấp cứu.

Nh. sau đó được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và tiếp tục được chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị. Tuy nhiên, do cánh tay đứt lìa tận vai, vết thương phức tạp nên cánh tay của em Nh. không thể nối liền lại được nữa.

Hôm bị tai nạn em vẫn tỉnh táo. Chỉ đến khi gây mê phẫu thuật em mới bất tỉnh. Trong phòng học, cô chỉ hướng dẫn một số điểm ở máy là nguy hiểm chứ không nói cho chúng em lối đi nào là nguy hiểm.

Do phần phôi thừa quá dài ra ngoài và lối đi hẹp nên khi em đi ngang qua, áo của em đã bị cuốn vào“, Nh. chia sẻ.

Gia đình “tố” trường không tiếp tục giải quyết hậu quả

Hiện tại, sau gần 6 tháng điều trị, vết thương ở cánh tay phải của Nh. đã dần ổn định lại. Tuy nhiên, cánh tay trái của Nh. bị dập nát phần cơ và chưa thể điều trị dứt điểm khiến em không thể cầm nắm vật gì nặng.

Sau khi kết thúc phần điều trị do đứt lìa cánh tay phải, gia đình đã làm đơn đề xuất hỗ trợ chi phí điều trị và được phía trường Cao đẳng nghề số 4 hỗ trợ 184 triệu đồng. Trong đó, chi phí điều trị viện phí là hơn 124 triệu đồng và 60 triệu đồng (70%) tiền hỗ trợ chi phí chăm sóc, đi lại do gia đình bỏ ra.

Gia đình nam sinh sau đó tiếp tục đề xuất việc điều trị đứt cơ ở cánh tay trái và làm cánh tay giả cho Nh. thì vẫn chưa được phía trường Cao đẳng nghề số 4 hỗ trợ.

Nam sinh 16 tuổi bị máy tiện cuốn đứt lìa cánh tay trong giờ học thực hành - Ảnh 3.

Hiện tại, Nh. vẫn đang theo học tại trường. Tuy nhiên tay trái mất khả năng lao động nặng.

Cánh tay trái của cháu bị rách bó cơ nhị đầu. Bệnh viện Việt Đức nói không thể điều trị, phẫu thuật ở trong nước được mà phải ra nước ngoài thì mới có khả năng nối cơ, chữa trị. Tay phải mất, tay trái rách cơ này nên cũng không làm gì được nữa.

Gần 6 tháng điều trị qua, gia đình phải bỏ công bỏ việc đi chăm con. Thời điểm bị tai nạn thì nhà trường hứa sẽ cố gắng đáp ứng điều trị và lo cho cháu sau này. Nhưng giờ thì nói đến chuyện hỗ trợ điều trị cho cháu thì nhà trường lại bỏ bê trách nhiệm“, anh Mậu bức xúc chia sẻ.

Anh Mậu bức xúc cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến tai nạn này có rất nhiều lỗi thuộc về cô giáo và nhà trường. Cụ thể, giờ học thực hành, máy cắt phôi hỏng nhưng trường không sửa, cô giáo lại hướng dẫn học sinh cắt phôi trên máy tiện.

Khi cô giáo đưa thanh sắt cho học sinh cắt phôi thì thanh sắt quá dài, không vừa với máy nên phần phôi bị thừa ra ngoài dẫn đến tai nạn. Trong khi đó, quy định vận hành máy tiện có ghi rõ ràng, không được gia công vật cồng kềnh, kích thước, trọng lượng quá khổ với máy.

Hơn thế nữa, cô giáo dạy học sinh học thực hành nhưng lại không có ở lớp hướng dẫn cụ thể. Nhà trường cũng không có biển cảnh báo, hướng dẫn lối đi đảm bảo an toàn cho học sinh trong phòng học thực hành“, anh Mậu bức xúc.

Chị Thắm cho biết, khi mới xảy ra tai nạn thì nhà trường hứa sẽ chăm lo cháu. Nhưng khi gia đình yêu cầu trường giải quyết quyền lợi cho cháu thì trường lại lảng tránh.

Nam sinh 16 tuổi bị máy tiện cuốn đứt lìa cánh tay trong giờ học thực hành - Ảnh 4.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, Thượng tá Hà Kiên Cường – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề số 4 xác nhận về vụ tai nạn xảy ra tại phòng học thực hành của trường này khiến nam sinh Nh. bị đứt lìa cánh tay.

Thượng tá Cường cho biết thêm, phía nhà trường đã chăm lo điều trị cho nam sinh Nh. sau khi xảy ra sự việc và đã chi trả tiền viện phí, hỗ trợ thêm 60 triệu đồng tiền chăm sóc và đi lại. Nay phía gia đình có đề nghị hỗ trợ, bồi thường tổn thất, nhưng do yêu cầu cao quá nên trường chưa thể đáp ứng.

Trường đã nắm thông tin sự việc, đã lập biên bản và tiến hành điều trị cho em Nh. Tại thời điểm bị tai nạn thì giáo viên không có ở đó. Nhà trường đã lập biên bản và xử lý ký luật theo quy trình.

Nhà trường đã trả tiền điều trị viện phí và hỗ trợ gia đình 60 triệu chăm sóc, đi lại, giờ gia đình đề nghị cao quá. Nhà trường tổ chức một số cuộc họp nhưng chưa tìm được tiếng nói chung“, Thượng tá Cường cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thắm – mẹ em Nh. bức xúc chia sẻ: “Khi mới bị thì nhà trường nói gia đình yên tâm, sẽ điều trị, lo cho cháu và có nói sẽ làm tay giả cho cháu. Nay gia đình đề cập vấn đề điều trị tiếp ở cánh tay trái và làm tay phải giả cho cháu thì nhà trường không nói gì.

Tiền hỗ trợ viện phí, chi phí chăm sóc cháu gia đình cũng phải rất vất vả, mất thời gian và làm việc với trường nhiều lần mới xin được khoản tiền này“.

Theo Ngọc Tú – Tri thức trẻ

X