Chiều ngày 27 tháng 4 năm 2023 tại Hà Nội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo tháng hành động về An toàn, vệ sinh động tổ chức Lễ phát động Tháng công nhân – Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023. Đến dự Lễ phát động có Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính.
Cùng dự Lễ phát động có ông Trần Tuấn Anh Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung Ương; Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, LĐLĐ tỉnh, thành phố và đoàn viên công đoàn, người lao động tiêu biểu của các doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ: Hiện nay, một bộ phận người lao động, nhất là lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững; nhiều lao động bị mất việc, nhu cầu về nhà ở và các thiết chế cơ bản của công nhân, người lao động còn rất lớn nhưng chưa được đáp ứng. Điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động; môi trường làm việc độc hại, nhất là đối với phụ nữ như nóng, bụi, yếm khí, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, hóa chất… vượt tiêu chuẩn cho phép. Việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với những vấn đề mà công nhân, người lao động phải đối mặt; đồng thời luôn quan tâm, ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động.
Thủ tướng khẳng định trong giai đoạn phát triển mới, giai cấp công nhân là một lực lượng xã hội to lớn với vai trò rất quan trọng, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”, “…Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ phát động Tháng công nhân – Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Với mục tiêu thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống TNLĐ- BNN, năm 2023, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5-31/5) được chính thức phát động vào ngày 26/4/2023 cùng với Tháng Công nhân. Chủ đề tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Một số thông tin về tình hình an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 (Nguồn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội):
Năm 2022, trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch covid – 19 nhưng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2021, tình hình tai nạn lao động năm 2022 giảm ở chỉ số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, cụ thể:
- Số vụ tai nạn lao động chết người giảm 3,87% (720 vụ, giảm 29 vụ), giảm 4,07% số người chết (754 người chết, giảm 32 người);
- Tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 13,14% (152 vụ, giảm 23 vụ), số người chết giảm 13,58% (159 người, giảm 25 người), số người bị thương nặng giảm 30,11% (181 người, giảm 78 người).
Đây là năm thứ 4 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.
Ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban kinh tế Trung Ương trao quà cho các nạn nhân bị suy giảm sức khỏe do tai nạn lao động
- Năm 2022, Điều kiện lao động và tình hình sức khỏe công nhân cũng tiếp tục được cải thiện. Trong tổng số mẫu quan trắc môi trường là 944.127 mẫu (tăng 80% so với năm 2021), có 42.574 mẫu không đạt quy chuẩn vệ sinh lao động, chiếm 4,5%, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021. Số người lao động được khám sức khỏe là 2.543.380, tăng 74% so với năm 2021; tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV, V) là 6,3%, giảm 7,2 % so với năm 2021
- Năm 2022, phong trào thi đua quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tiếp tục được duy trì, có 1.699 công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động, với 15.725 sáng kiến. Mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tiếp tục được mở rộng với 205.441 an toàn, vệ sinh viên. Tổ chức thăm hỏi 18.664 nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên toàn quốc.
- Năm 2022, bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết mới cho 8.164 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổng chi trả từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm là gần 882 tỷ đồng.
- Các hoạt động thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh, lan tỏa, đa dạng các hình thức tiếp cận từ các hình thức truyền thống đến hiện đại, từ tĩnh sang động chuyển tải thông tin tới người lao động. Số lượt người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khoảng trên 3,5 triệu người (trong đó có khoảng 2 triệu người do các tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện); 1.322 người được cấp giấy chứng nhận người huấn luyện. Trên 3 triệu thiết bị được kiểm định kỹ thuật an toàn lao độn; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động cho 340 kiểm định viên và huấn luyện nghiệp vụ kiểm định cho 190 người làm công tác kiểm định. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được tăng cường. Tổ chức tư vấn cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh, vv… đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động
Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng chúng ta thẳng thắn nhận thấy công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại, cụ thể:
– Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ) , làm 7.923 người bị nạn (tang 1.265 vụ), 754 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản trên 14,1 ngàn tỷ đồng và hơn 143 ngàn ngày công
– Về bệnh nghề nghiệp, năm 2022, khám, phát hiện 1.328 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,3% số người được khám, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2022 tiếp tục ở mức thấp, 114 trường hợp, chiếm 8,6%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang cố gắng khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động, khu vực không có quan hệ lao động. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình. Bên cạnh đó nhiều Doanh nghiệp và cá nhân trên cả nước đã thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khanh trao cờ cho các đơn vị thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động
Nguyễn Thu Phương