QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN PHÂN LOẠI LAO ĐỘNG THEO ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

Khoản 1, khoản 3 Điều 22 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định “Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc”  “Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật”. Theo đó Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2021 Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động (Thông tư 29), trong đó có quy định nguyên tắc phân loại lao động theo điều kiện lao động thì việc phân loại lao động theo điều kiện lao động phải dựa trên kết quả đánh giá xác định điều kiện lao động theo quy định.

Thực hiện phân loại lao động theo điều kiện lao động ngành Cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Chiều ngày 28/4/2022, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động đã tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2022, trong đó có nội dung liên quan việc xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện nay được quy định tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo Cục An toàn lao động, Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định nghề, lĩnh vực áp dụng đối với một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Đối với lĩnh vực, ngành nghề khác sẽ được đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được quy định tại Thông tư 29. Kết quả sau khi đánh giá sẽ quyết định điều kiện lao động của nghề, công việc đó. (Nguồn: http://molisa.gov.vn, Cổng thông tin Điện tử của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

Điều 10 Thông tư 29 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại lao động lần đầu và khi có sự thay đổi về công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất dẫn đến việc thay đổi về điều kiện lao động hoặc khi thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động mà phát hiện những yếu tố nguy hiểm, có hại mới phát sinh so với lần đánh giá trước đó nhưng phải bảo đảm thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại điều kiện lao động tối thiểu 01 lần trong vòng 05 năm. Người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong đó nội dung vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động như sau: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ cho người lao động quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động”.

Thực hiện phân loại lao động theo điều kiện lao động ngành Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng

Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập  trực thuộc Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội một trong các nhiệm vụ chính của Trung tâm  là thực hiện quan trắc môi trường lao động, đánh giá điều kiện lao động, tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my. Văn bản số 57/MT-LĐ ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế về việc tổ chức công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động của Trung tâm Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động theo quy định pháp luật. Trung tâm là đơn vị đủ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực hiện phân loại lao động theo điều kiện lao động theo quy định pháp luật.

Thực hiện phân loại lao động tho điều kiện lao động lĩnh vực Bảo trợ Xã hội thuộc Bộ

Qua nhiều năm thực hiện công tác quan trắc môi trường lao động và đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Cục An toàn lao động giao, Trung tâm phối hợp các cơ quan, đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp…. thực hiện việc rà soát, phân loại lao động theo điều kiện lao động trong và ngoài ngành là cơ sở để đề xuất Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề theo quy định. Bên cạnh đó dựa vào việc lập hồ sơ, kết quả việc phân loại lao động theo điều kiện lao động của Trung tâm là căn cứ để người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm về chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động./.

Nguyễn Thanh Tùng

X