TRUNG TÂM QUỐC GIA VỀ AN TOÀN – VỆ SINH LAO ĐỘNG BẢO VỆ THÀNH CÔNG NGHIỆM THU CẤP CƠ SỞ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ NĂM 2024

Ngày 9/7/2024 tại Trụ sở làm việc của Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động, Hội đồng nghiệm thu khoa học cấp cơ sở đã tổ chức đánh giá báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2023 do Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động chủ trì thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cấp cơ sở phát biểu ý kiến chỉ đạo

Thực hiện Quyết định số 1369/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thành lập các ban chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện năm 2023. Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động đã tiến hành nghiên cứu, thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng và áp dụng hệ thống đánh giá rủi ro trong an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”.

Ban chủ nhiệm đề tài của Trung tâm thuyết trình về các nội dung nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở

Sau một thời gian triển khai thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Trung tâm đã hoàn thành các nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học theo đúng yêu cầu từ đơn đặt hàng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nhằm đảm bảo tính chính xác, tính khoa học trong thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học theo yêu cầu đặt ra, ngày 9/7/2042, Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã tổ chức đánh giá báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Trung tâm Quốc gia về An toàn- Vệ sinh lao động. Hội đồng nghiệm thu đánh giá gồm các thành viên là chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan quản lý NN và nghiên cứu khác nhau, do Giám đốc Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động Ông Nguyễn Thanh Hưng làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên sau:

– Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn LĐVN là Uỷ viên phản biện 1.

– Thạc sỹ Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là Uỷ viên phản biện 2.

–  Cùng với các thành viên phản biện là các nhà khoa học đến từ các đơn vị như: Cục An toàn lao động, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng.

Nội dung của đề tài do Trung tâm thực hiện đã đề ra 3 mục tiêu chính cần thực hiện là:

–  Nghiên cứu, đánh giá, thiết kế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có được một quy trình đánh giá rủi ro cho phù hợp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm trên 80% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân).

– Giúp tăng khả năng cạnh tranh về năng lực trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Cùng với đó, giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu được các sự cố tai nạn, tránh được các tổn thất về con người, tài sản, môi trường và đặc biệt là vấn đề giảm các chi phí tài chính, nâng cao thương hiệu phát triển bền vững.

– Xây dựng được hệ thống kỹ thuật đánh giá rủi ro an toàn vệ sinh lao động đối với đặc thù các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.

Các nội dung đã thực hiện trong đề tài nghiên cứu bao gồm:

  • Tổng quan tình hình nghiên cứu về đánh giá rủi ro tại Việt Nam và trên thế giới.
  • Giới thiệu về đánh giá rủi ro trong an toàn vệ sinh lao động.
  • Nghiên cứu, khảo sát, xác định đặc điểm về quy trình đánh giá rủi ro trong đặc thù các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
  • Các phương pháp và ứng dụng về đánh giá rủi ro.
  • Xây dựng quy trình đánh giá rủi ro cho các lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn.
  • Xây dựng và đề xuất các giải pháp khuyến nghị cần thực hiện.

–  Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã đánh giá rất cao về tính khả thi và khả năng nghiên cứu ứng dụng của đề tài. Đây là đề tài mang tính cấp thiết, có hướng tiếp cận, nghiên cứu mới, áp dụng tư duy nghiên cứu theo chiều sâu và hiện đại. Kết quả của đề tài vừa mang tính thực tiễn, vừa có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học, là cơ sở để đưa ra các đề xuất, giải pháp quản lý để chuyển giao cho Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật liên quan đến công tác đánh giá và quản lý rủi ro.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng được chuyển giao cho Trường Đại học Lao động và Xã hội, Trường Đại học Công đoàn, Đại học Tôn Đức Thắng,… để làm cơ sở nghiên cứu, tham khảo về kỹ thuật đánh giá rủi ro trong an toàn vệ sinh lao động, đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này sẽ được chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn để làm cơ sở tài liệu tham chiếu, ứng dụng nhằm quản lý hiệu quả hơn công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Cuối cùng, với kết quả là 100% các uỷ viên phản biện đã đánh giá đề tài được thông qua và đạt yêu cầu. Hội đồng đánh giá đã đề xuất, kiến nghị Ban chủ nhiệm đề tài của Trung tâm tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, chỉnh sửa như kết luận của Hội đồng và hoàn thiện các sản phẩm của đề tài theo đúng tiến độ./.

Trần Xuân Hiển

X