ĐỐI THOẠI ĐỊNH KỲ VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG NĂM 2023

Sáng 27/4, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ, triển khai chương trình kế hoạch năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Hội đồng đã tổ chức Đối thoại định kỳ năm 2023 về công tác an toàn, vệ sinh lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động và các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả việc xây dựng pháp luật, chính sách về an toàn, vệ sinh lao động. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi Đối thoại. Cùng dự có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Trưởng Ban thư ký Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ; Bà Ingrid Christensen, Giám đốc văn phòng ILO Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, địa phương

Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch Hội đồng  phát biểu khai mạc buổi Đối thoại

Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch Hội đồng đã phát biểu: Sau Phiên đối thoại năm 2022, các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới, giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, cụ thể như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2023/NĐ-CP nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm định; đã ban hành 03 Thông tư theo thẩm quyền nhằm giải quyết đối với đề xuất tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, đổi mới chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành 01 Thông tư bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp; Bộ Công Thương hiện nay đang xây dựng 11 Quy chuẩn kỹ thuật an toàn; các bộ, ngành khác đều đồng loạt triển khai các nội dung nhằm thúc đẩy công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, sau Phiên đối thoại năm 2022, khu vực không có quan hệ lao động cũng dần được chú trọng triển khai. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng 01 Nghị định về chính sách bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt trong ngành nông nghiệp; Hội Nông dân Việt Nam ban hành nhiều hướng dẫn, tổ chức tập huấn về cải thiện điều kiện lao động cho nông dân…

Qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động. Đây cũng là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới về an toàn, vệ sinh lao động (ngày 28 tháng 4) và là một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

  Đến nay Ban thư ký Hội đồng cũng đã nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất từ các địa phương; tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp. Để buổi đối thoại hôm nay đạt kết quả tốt, Thứ trưởng đề nghị:

  1. Đại diện cơ quan thành viên Hội đồng sẽ thông báo các kết quả giải quyết, kiến nghị sau Phiên đối thoại năm 2022 và trả lời các nội dung đã được Ban Thư ký Hội đồng tổng hợp.
  2. Tiếp tục đối thoại các vấn đề liên quan đến các chính sách mới ban hành, đặc biệt tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người lao động.
  3. Đề nghị các ý kiến đi thẳng vào vấn đề cần đối thoại ngay tại hội trường này.

Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại hôm nay sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ tại phiên họp thường kỳ sắp tới.

Đồng thời, tôi đề nghị đại biểu của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia đối thoại ngày hôm nay cùng với các Bộ giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại địa phương và sớm tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ tổ chức đối thoại ở địa phương để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật.

Các đại biểu tham dự buổi đối thoại

Theo báo cáo tóm tắt của Cục An toàn lao động về tiếp thu ý kiến tại Đối thoại năm 2022,  tiếp tục cắt giảm và đơn giản thủ tục hành chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 04/2023/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong đó, đã đơn giản hóa và ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết một số TTHC về lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

– Chuẩn hóa đội ngũ viên chức kiểm định viên được sửa đổi tại Thông tư số 30/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2022 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

– Về ý kiến nâng mức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động đã được sửa đổi tại Thông tư số 26/2022/TT-BLĐTBXH;

– Về ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung, cập nhật phương tiện cá nhân thiết yếu, đồng thời trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp để xây dựng, bổ sung PTBVCN phù hợp với điều kiện lao động, đã được sửa đổi tại Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH;

– Báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 theo đó kiến nghị không đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 17, doanh nghiệp sẽ thực hiện các quy định về làm thêm theo quy định của Bộ Luật Lao động từ ngày 01/01/2023

– Triển khai kết nối thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (nhóm 2) nhập khẩu của Bộ; hoàn thiện nâng cấp và thông báo đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định và dịch vụ công trực tuyến cấp chứng chỉ kiểm định viên.

– Trình Thủ tướng Chính phủ phương án nghỉ lễ, tết năm 2023 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cả nước.

Hoàn thiện nâng cấp và khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định và dịch vụ công trực tuyến cấp chứng chỉ kiểm định viên; hoàn thiện phần mềm kết nối Cổng thông tin Một cửa quốc gia xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu (trình Bộ có văn bản gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đề nghị cho kết nối để triển khai thực hiện); thực hiện cấp mới, cấp lại chứng chỉ cho 200 kiểm định viên và bổ sung phạm vi kiểm định cho 48 kiểm định viên đã có chứng chỉ; thẩm định điều kiện cấp mới và cấp lại Giấy chứng nhận cho 48 tổ chức kiểm định; tiếp nhận và xử lý 1750 hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu; tiếp nhận và xử lý 41 bộ hồ sơ công bố chứng nhận hợp quy của các tổ chức;

– Công tác quản lý nhà nước về huấn luyện ATVSLĐ: Việc đào tạo, huấn luyện người làm công tác ATVSLĐ được tăng cường; việc hướng dẫn các tổ chức huấn luyện được triển khai thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức làm dịch vụ huấn luyện được tăng cường kịp thời chẩn chỉnh các sai phạm trong hoạt động tổ chức huấn luyện.

– Thanh tra ngành LĐTBXH triển khai 2.273 cuộc thanh tra và 623 cuộc kiểm tra, ban hành 2273 kết luận thanh tra, phát hiện 9.877 thiếu sót, sai phạm với tổng số tiền xử phạt là hơn 26 tỷ đồng; thu hồi, kiến nghị nộp ngân sách trên 198 tỷ đồng[1]. (Theo báo cáo số 41/BC-TTr của Thanh tra Bộ, Bộ LĐTBXH) Thanh tra chuyên ngành của Cục An toàn lao động đã thực hiện 39 cuộc với số tiền xử phạt trên 80 triệu đồng.

Ngoài ra còn còn có các hoạt động của các Bộ ngành có liên quan như Bộ Yê tế, Bộ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ công thương,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Thu Phương

X