Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại hội nghị tổng kết “Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất giai đoạn 2021 – 2026” ngày 20/4 tại Hà Nội, nhờ tần suất tai nạn lao động, tỷ lệ người mắc mới bệnh nghề nghiệp giảm (đồng nghĩa với việc giảm số người bị mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động tính trên 100.000 lao động) nên tiết kiệm được chi phí trả cho các vụ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp.
Chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, ước tính tiết kiệm trên 90 tỷ đồng mỗi năm; tính trên toàn bộ lực lượng lao động là trên 350 tỷ đồng mỗi năm nhờ tần suất tai nạn lao động, tỷ lệ người mắc mới bệnh nghề nghiệp giảm.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, tính trong 05 năm 2016- 2020, tần suất tai nạn lao động chết người giảm 22,2% so với 2011- 2015 (Bình quân mỗi năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động, đạt mục tiêu).
Tuy nhiên, một số vụ tai nạn lao động chết người bị che dấu, không khai báo, một số có báo cáo lại không đầy đủ thông tin.
Việc cải thiện tốt điều kiện và môi trường lao động đã góp phần vào việc giảm ô nhiễm môi trường sinh thái nói chung, đặc biệt trong việc phát tán hơi khí độc, bụi gây bệnh tật trong cộng đồng.
“Với môi trường làm việc an toàn và vệ sinh, người lao động giảm tâm lý căng thẳng, lo sợ bị mắc bệnh, bị tai nạn, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập và phúc lợi của người lao động được nâng cao. Giảm TNLĐ, BNN cũng đã góp phần tiết kiệm hao phí sức lao động xã hội, giảm tỷ lệ đói nghèo, giảm gánh nặng cho xã hội”, Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Chương trình đã giúp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động. Môi trường lao động tại các cơ sở có kiểm soát đã được cải thiện đáng kể. Tổng số mẫu đo, đánh giá và quan trắc môi trường lao động đều tăng trong mọi ngành nghề.
Số doanh nghiệp thực hiện báo cáo TNLĐ tăng trên 25.000 cơ sở (tăng 40% so với giai đoạn 2011- 2015). Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tác động của công tác an an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên đã quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ.
Giai đoạn 2016- 2019, đã có thêm trên 6.400 doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý trong đó 171 doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế về ATVSLĐ (theo ISO 45001 2018 và OSHAS 18001); 6 loại hình làng nghề với 60 làng đã ứng dụng thành công mô hình quản lý an toàn- vệ sinh lao động tại làng nghề.
Bên cạnh đó, công tác ATVSLĐ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã tác động tích cực đến nhận thức của hàng triệu người lao động trong nông nghiệp, hàng vạn sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc đã được người nông dân triển khai sau khi tham dự các lớp tập huấn về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, còn một số khó khăn trong việc triệu tập người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động tham gia lớp huấn luyện; phối hợp xây dựng hệ thống quản lý và mô hình kỹ thuật; tư vấn hỗ trợ người làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia phòng chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ… Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách về ATVSLĐ ở cấp huyện, xã còn là cán bộ kiêm nghiệm, công việc nhiều, chuyên môn trong lĩnh vực an toàn không sâu nên càng khó trong tuyên truyền.
“Kinh phí đầu tư cho hoạt động tuyên truyền và nghiên cứu ứng dụng về ATVSLĐ còn hạn hẹp. Việc huy động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đối ứng triển khai áp dụng các góc tuyên truyền về ATVSLĐ tại cơ sở còn hạn chế”, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Văn Khánh (Ban Quan hệ Lao động) nêu vấn đề.
Qua báo cáo các Bộ, địa phương tham gia Chương trình và kết quả điều tra tổng thể công tác ATVSLĐ năm 2019 của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, một số văn bản quy phạm pháp luật về quy định điều kiện đối với đơn vị quan trắc môi trường lao động được quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Đầu tư hiện còn một số mâu thuẫn.
Số cuộc thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp thực hiện còn ít. Ở một số lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, trong các làng nghề, nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa từng được thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ trong nhiều năm qua. Công tác phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người, có dấu hiệu tội phạm giữa cơ quan công an, viện kiểm sát, đoàn điều tra tai nạn một số nơi chưa được tốt.
Các hoạt động truyền thông được triển khai mạnh chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu, nhưng cũng chưa thường xuyên, chưa đủ để thay đổi hành vi, tạo thói quen làm việc bảo đảm ATVSLĐ trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn lao động mới chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn (5% tổng số doanh nghiệp).
Tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện một số chế độ chính sách về bảo hộ lao động như bồi dưỡng bằng hiện vật, bố trí thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi … còn chưa đầy đủ, mang tính hình thức. Công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực làng nghề và kinh tế trang trại chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức, đặc biệt là ở các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể…Tần suất TNLĐ tuy giảm, nhưng vẫn để xảy ra nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng.
Dự thảo chương trình giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu, trung bình hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động, tần suất tai nạn lao động chết người; bảo đảm đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 90% các đối tượng được tập huấn về ATVSLĐ. Chương trình triển khai trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên các ngành, nghề, làng nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo Bnews.vn