Hơn 33 triệu lao động tự do bao giờ được đóng bảo hiểm tai nạn lao động?

Việt Nam có 33 triệu người trong khu vực không có quan hệ lao động, chịu nhiều thiệt thòi và bất lợi. Bởi vậy, hình thức bảo hiểm tai nạn lao động là điều cần thiết với nhóm lao động này.

Đây cũng là nội dung của Hội thảo bàn về tính khả thi của chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với lao động trong khu vực không có quan hệ lao động. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 15/4 tại Hà Nội.

Thiệt thòi về quyền lợi việc làm, bảo hiểm

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng, triển khai chính sách tới nhóm lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động, gọi tắt là lao động tự do.

Việt Nam hiện có 54 triệu người lao động, trong đó có khoảng 33 triệu người thuộc khu vực không có quan hệ lao động. Trên thực tế, những lao động này đang đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi so với lao động ở khu vực có quan hệ lao động.

Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động phi chính thức chỉ chiếm 14,8%. Gần 70% lao động phi chính thức làm việc trong nhóm ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, dịch vụ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Đây thường là những ngành sử dụng lao động giản đơn, điều kiện lao động không bảo đảm, công việc không ổn định, năng suất lao động và tiền lương thấp.

Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH còn cho thấy, lao động làm công ăn lương phi chính thức làm nhiều hơn 2 giờ/tuần so với lao động làm công ăn lương chính thức và cao hơn số giờ làm việc theo quy định (49,2 giờ/tuần và 47,2 giờ/tuần). 

“Trong khi đó, vấn đề đảm bảo quyền tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn cho người lao động này đã được luật hóa từ nhiều năm qua” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Cụ thể, theo Điểm c Khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thống kê sổ khai tử cấp xã và điều tra từ các bệnh viện có 1.400 người chết do TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động. Con số này cao gấp khoảng 2 lần khu vực có quan hệ lao động và đang tiếp tục gia tăng

Điều này tạo ra những gánh nặng lớn cả về vật chất, tinh thần cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Trước đây, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu việc xây dựng chính sách về nội dung này và trình cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên do nhiều khó khăn, việc hoàn thiện vẫn cần được triển khai tiếp tới thời điểm này.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, để xây dựng hoàn thiện chính sách cần có sự tham gia của nhiều ban ngành và các chuyên gia.

“Nhiều vướng mắc trong xây dựng chính sách cần được bàn thảo, trong đó nổi bật là việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện của ngân sách nhà nước và đảm bảo lực lượng điều tra tai nạn lao động của người tham gia…” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Người lao động được gì khi tham gia?

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia và đại diện Bộ, ngành cũng phần nào làm rõ thêm những vấn đề trong xây dựng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động tự do.

Theo ý kiến của đại diện Bộ Tư Pháp tại Hội nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ các quyền lợi mà đối tượng tham gia chính sách được hưởng là gì? Qua đó mới tạo động lực để thu hút người lao động tham gia.

Lao động tự do tại Hà Nội gặp khó do Covid-19 nhận hỗ trợ từ Chính phủ

Bên cạnh đó cần chú trọng việc đánh giá tác động xã hội, kinh tế, doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là sự tác động với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng thời, việc chọn các căn cứ về mức đóng dựa trên nền tiền lương cần dựa trên định hướng lâu dài trong phát triển chính sách tiền lương theo Nghị Quyết số 27-NQ/TW.

Bàn về tính khả thi của chính sách, đại diện BHXH Việt Nam tại Hội nghị cho rằng cần bỏ bớt các tiêu chí phụ để có tính thực tế hơn.

Về mô hình quản lý tài chính, đại diện BHXH Việt Nam đề xuất nên có một quỹ hạch toán độc lập với Quỹ BHXH tự hiện hành. Bởi tính chất của bảo hiểm tai nạn lao động là ngắn hạn, trong khi đó, chính sách hưu trí và tử tuất của Quỹ BHXH tự nguyện hiện hành là lâu dài.

Để tránh trục lợi, đại diện BHXH Việt Nam đề nghị cần quy định rõ từ các khâu và trách nhiệm rõ ràng thì nguy cơ ảnh hưởng tới quỹ.

Bàn về mức đóng, đại diện Hội Nông dân Việt Nam đề xuất mức đóng hàng tháng bằng 1% mức tiền lương bình quân tháng đóng BHXH năm trước liền kề do Bộ LĐ-TB&XH công bố. Ngoài ra, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ một phần cho người tham gia, nhằm tạo sức thu hút của chính sách

Với công tác điều tra tai nạn lao động, đại diện Hội Nông dân tại Hội nghị đề xuất giao cho nhiệm vụ cho cấp Sở LĐ-TB&XH thực hiện…

Theo Hoàng Mạnh – Báo điện tử Dân trí

X