Đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư – nhà cao tầng

Các khu dân cư, nhà cao tầng do tính đặc thù nên luôn tiềm ẩn mức độ nguy cơ cháy nổ cao hơn so với các công trình thông thường khác như: Khu nhà thương mại, văn phòng làm việc… Hiện nay, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ quá trình đô thị hóa, các dự án khu dân cư, nhà cao tầng đã và đang trở thành xu hướng phát triển của đô thị hiện đại và là biện pháp hữu hiệu nhất để tăng quỹ nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác trên cả nước.Thực tế các công trình khu dân cư, nhà cao tầng thường có diện tích không gian sử dụnglớn, công năng sử dụng phức tạp, mật độ tập trung đông người, ngoài ra chúng còn chứa khối lượng vật tư, thiết bị hàng hóa, chất dễ cháy. Một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình thiết kế xây dựng là sử dụng, vận hành các khu nhà đặc thù này, do vậy cần đặc biệt quan tâm đến những vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân và các tòa nhà cao tầng khi xảy ra cháy nổ.

Thồng kê tình hình cháy, nổ trong06 tháng đầu năm 2022

(Nguồn: Thống cáo báo chí, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

TT Tổng số vụ Thiệt hại về tài sản Thiệt hại về người Loại hình xảy ra cháy, nổ
Tình hình cháy 848 vụ 414,73 tỷ đồng 41 người chết – 322 vụ cháy nhà dân.

– 183 vụ cháy kho.

– 69 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh.

– 16 vụ cháy chung cư.

– 04 vụ cháy quán bar, karaoke.

Tình hình nổ 08 vụ 08 người chết

Một số vụ cháy nhà khu dân cư cao tầng điển hình trên thế giới và ở Việt Nam:

– Vụ cháy toà tháp chung cư Grenfell 24 tầng ở quận White City, Luân Đôn, Anh Quốc.Sáng sớm 14/6/2017 ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn tháp, chỉ còn lại phần khung trơ trọi với khói đen nghi ngút và những mảnh vỡ ngổn ngang. Lực lượng cứu hỏa đã nhận cuộc gọi đầu tiên lúc 1 giờ 16 phút sáng và đã triển khai khoảng 200 lính cứu hỏa và 40 phương tiện chữa cháy tới ứng phó, có 12 người thiệt mạng và hơn 30 người được cấp cứu. Đây là một vụ cháy nghiêm trọng nhất của nước Anh trong thập niên 20 của thế kỷ XXI.

– Vụ cháy xảy ra tại bãi giữ xe tầng hầm chung cư Carina lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 23/3/2018, chỉ khoảng 2 phút sau đó, lửa bùng lên cao ngang ống thông gió trên trần tầng hầm. Tới lúc 1 giờ 23 phút, hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, lửa bùng lên dữ dội, cháy lan ra xe máy và ô tô đang để trong tầng hầm. Khói khí nóng và độc đã luồn theo lối buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng nổi phía trên chung cư, đồng thời hệ thống báo cháy đã không kịp thời báo cháy và chữa cháy tự động, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau sự cố, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy là do hệ thống dây dẫn điện của xe máy để tại khu vực khoang để xe máy số 6 xảy ra sự cố chập điện. Vụ cháy đã khiến 13 người tử vong, trên 60 người bị thương và gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Những vụ cháy ở trên cho thấy hỏa hoạn là một mối nguy hiểm đặc biệt đối với các toà nhà cao tầng, khu dân cư. Tính chất đặc biệt của nguy cơ cháy khu dân cư, nhà cao tầng được xác định bởi các yếu tố sau:

Sự lưu trú tập trung đông người dân trong tòa nhà;

Chiều cao của tòa nhà vượt quá khả năng sử dụng xe thang để cứu người hiện có trong các đơn vị đóng quân của cơ quan PCCC;

Khả năng bị phá hủy một phần cấu trúc hoặc toàn bộ trường hợp hỏa hoạn của các cấu kiện riêng lẻ của tòa nhà hoặc toàn bộ tòa nhà;

Sự lan truyền mạnh mẽ trong tòa nhà cao tầng gồm: Lửa, khói, các chất độc hại trong suốt chiều cao của nó thông qua các phòng, hành lang và thông tin liên lạc kỹ thuật, cũng như qua các khoảng trống trong cấu trúc tòa nhà.

Việc không có hoặc không có đủ các phương tiện cứu người trong trường hợp cháy.

Hậu quả thảm khốc của các vụ cháy buộc các nhà thiết kế, xây dựng và đại diện của Cơ quan Giám sát Phòng cháy chữa cháy của Nhà nước phải quan tâm đến việc xây dựng các biện pháp đặc biệt để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà cao tầng và bảo vệ chúng khỏi hỏa hoạn.

Thống kê thiệt hại và nguyên nhân sự cố tai nạn do cháy nổ hàng năm tại Việt Nam

(Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)

Năm Số vụ tai nạn Thiệt hại về kinh tế Số người tử vong Nguyên nhân
2019 3970 vụ Trên 1500 tỉ VND 85 người Trên 40%: Do chập điện; sự cố hệ thống điện; cháy thiết bị tiêu thụ điện
2020 2764 vụ Trên 900 tỉ VND 75 người
2021 2245 vụ Trên 374 tỉ VND 85 người

Một số biện pháp và giải pháp đảm bảo an toàn PCCC cho khu dân cư, nhà cao tầng:

Yêu cầu từ khi thiết kế, thi công, quy hoạch công trình:

Trong quá trình thực hiện việc thiết kế, cần phải tuân thủ đúng các yêu cầu quy định kỹ thuật về các vấn đề xây dựng và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC (QCVN 06:2021/BXD, TCVN 2066:1995, TCVN 6160:1996; TCXDVN 323:2004; TCVN 3890:2009…)

Để đảm bảo an toàn cháy, nổ trong các công trình nhà ở cao tầng, các biện pháp phòng cháy chữa cháy cho công trình đó phải được xây dựng rất chi tiết:

+ Các khu nhà đều phải được trang bị cầu thang bộ không khói, thiết bị hút khói, cấp nước chữa cháy với vòi chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động…

+Để loại bỏ khói từ các buồng thang bộ, đây là cách chính để sơ tán người dân ra khỏi tòa nhà, có những loại quạt đặc biệt được bật từ xa bằng các nút được lắp đặt ở hành lang của các căn hộ hoặc tự động từ đầu báo cháy.

+Các tòa nhà cao tầng phải được trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy bên trong.

+Các đầu báo cháy được lắp ở hành lang của các căn hộ. Tín hiệu về hoạt động của chúng được truyền đến phòng điều khiển.

+Ngăn khói lan truyền khắp các tầng và căn hộ được ngăn chặn bằng cách bịt các gioăng cao su ở các vòm cửa và nắp đậy (lò xo trên cửa hành lang và cửa thang bộ).

+Trường hợp không thể rời khỏi căn hộ do nhiệt độ cao hoặc khói nhiều, việc sử dụng các lối thoát hiểm bằng kim loại được lắp đặt trên các ban công được cung cấp bắt đầu từ tầng 6. Một lối thoát hiểm khác trong các tòa nhà cao tầng có thể là thang máy chữa cháy, phải đảm bảo không có khói trong trường hợp hỏa hoạn. Điều này được đảm bảo bằng hệ thống thông gió tạo áp lực cho trục thang máy và ngăn khói, lửa lan qua trục thang máy lên các tầng.

Yêu cầu trong quá trình sinh hoạt, sử dụng:

Trong xã hội hiện đại, các thiết bị sử dụng điện ngày càng nhiều, nguy cơ cháy nổ cũng vì thế mà tăng lên. Người dân cần chú ý, không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm và đặt trên các đồ vật có khả năng bắt cháy cao, hấp thụ nhiệt tốt như chăn, ga, gối, đệm…

Đặc biệt, người dân không lắp lồng sắt, lưới sắt, chuồng cọp, biển quảng cáo ở lan can. Trường hợp người dân đã lắp thì phải thiết kế ô cửa thoát nạn và quy định rõ vị trí để chìa khóa; Chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu để thoát nạn khi cháy xảy ra.

Mỗi nhà, căn hộ cần bố trí tối thiểu hai lối thoát nạn, chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; Không bố trí đồ vật cản trở lối thoát nạn; Đồng thời dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị.

Khi cháy, nổ xảy ra, người dân phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn đã định sẵn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114, chính quyền, Công an địa phương nơi cư trú. Sử dụng ngay các phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy (như các bình chữa cháy đặt trong toà nhà).

Để ngăn ngừa cháy nổ, một trong những biện pháp hữu hiệu làthực hiện việc diễn tập các phương án chữa cháy tai chỗ thường xuyên, đây là biện pháp rất quan trọng nhằm phát huy được vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ, ngăn ngừa cháy lan, hạn chế hậu quả do cháy.

Kết luận:

Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong khu dân cư, các tòa nhà cao tầng là thách thức chung của các nhà thiết kế, xây dựng, cơ quan phòng cháy chữa cháy, người quản lý, vận hành và sử dụng. Để duy trì một môi trường an toàn cho người sử dụng tòa nhà và người dân, nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu cần phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật an toàn về phòng cháy chữa cháy ngay từ các khâu thứ nhất của quá trình thiết kế, phê duyệt. Xây dựng và điều hành quản lý tòa nhà cần phải tuân thủ đúng các yêu cầu quy định kỹ thuật về kết cấu xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo không bị tác động bởi các yếu tố nguy hiểm cháy nổ, cũng như cần hoàn thiện hơn nữa quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy tắc đảm bảo an toàn cháy nổ đối với các công trình này. Làm được điều đó mới có thể giảm thiểu rủi ro thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong các khu dân cư, tòa nhà cao tầng và mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân./.

ThS.KH. Trần Xuân Hiển – Trung tâm Quốc gia về ATVSLĐ, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

X