Đưa gói hỗ trợ an sinh đến với người lao động

Trong triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu, nơi nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại mình, nơi nào chưa sáng tạo thì phải sáng tạo…

Người lao động trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhận tiền từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Ảnh: THỦY TRÚC

Chiều 2/8, UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho các lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Địa điểm được chọn làm nơi chi trả là số 33 phố Nhà Chung, nơi có hội trường rộng, đủ điều kiện bảo đảm giãn cách và phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Sau các thủ tục kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn, 17 lao động của Công ty CP Thể thao giải trí Bằng Linh đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để nhận tiền hỗ trợ. Anh Nguyễn Xuân Tư, nhân viên kỹ thuật Công ty Bằng Linh cho biết: Nhận được tiền hỗ trợ dành cho đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tôi rất xúc động. Số tiền 4.710.000 đồng được UBND quận trao từ gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố thật sự quý báu trong giai đoạn này, giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống sau nhiều tháng nghỉ việc do công ty dừng hoạt động vì dịch bệnh.

Là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có người lao động được nhận hỗ trợ, đại diện Công ty CP Thể thao giải trí Bằng Linh thông tin: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm đã hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục để nhận gói hỗ trợ an sinh rất nhanh chóng, tận tình. Chưa đầy một tuần, các thủ tục đã được hoàn thiện và phần lớn làm theo hình thức trực tuyến. Đây là gói hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả đến cho người lao động, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp khi phải tạm ngừng hoạt động.

Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều đang tích cực triển khai để đưa gói hỗ trợ an sinh đến với các đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, bảo đảm an toàn trong mùa dịch. Huyện Hoài Đức đã rà soát và lập danh sách 1.835 doanh nghiệp được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đã thống kê 1.228 hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên địa bàn huyện phải tạm dừng hoạt động do giãn cách xã hội. Từ ngày 3/8, huyện đã hỗ trợ đợt một cho 13 lao động nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hơn 59 triệu đồng.

Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) khó thực hiện nhất. Chính vì vậy, các địa phương đã thành lập các tổ rà soát đến cấp thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố để xác định được số lượng lao động tự do cần trợ giúp và tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hà Đông, Đỗ Thị Minh Loan cho biết: Quận đã vận dụng hết sức linh hoạt trong việc vừa tuyên truyền, vừa ban hành kế hoạch và thu hồ sơ. Đối với lao động tự do, nhất là trong khu vực phong tỏa, các tổ trưởng dân phố đi phát đơn, thu lại và thực hiện chi trả tại nhà. Với lao động có hợp đồng, quận bố trí người trực tại bộ phận một cửa.

Qua thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố có hơn 1,47 triệu người lao động được tiếp cận, thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Thành phố cũng đã ban hành Quyết định 638/QĐ-MTTQ-BTT thực hiện hỗ trợ 3.180 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động với 3.180 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá hơn ba tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các địa phương cho thấy đang có một số phát sinh cần tháo gỡ để đẩy nhanh việc đưa gói hỗ trợ an sinh đến các đối tượng thụ hưởng. Do thực hiện trong thời gian, việc thông tin chủ yếu qua hệ thống loa truyền thanh và qua công văn, cho nên nhiều cán bộ cơ sở, người dân còn chưa nắm rõ các nội dung cụ thể. Việc xác nhận thường trú, tạm trú của các đối tượng không thực hiện được vì giãn cách. Mặt khác, do chưa có quy định cụ thể những trường hợp, ngành nghề là lao động tự do, dẫn đến việc các cơ quan chức năng khó khăn trong quá trình rà soát…

Theo đồng chí Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục để triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 đã được quy định rõ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cho nên về cơ bản, Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương. Riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, hai ngành lao động – thương binh và xã hội và ngành thuế sẽ cùng rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi hộ chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất. Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên được hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, là người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố và các địa phương. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc có thể cùng là lao động tự do, nhưng người ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn địa phương khác.

Theo An Trân – Trang thông tin điện tử Báo mới

X