Giảm căng thẳng nơi làm việc’ góp phần đảm bảo an toàn lao động

Chiều ngày 7/4, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương hợp thông tin tới báo chí về Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, chủ đề của tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện làm việc, căng thẳng tại nơi làm việc”. Lý do chọn 2 chủ đề này, ông Hà Tất Thắng cho biết: Hiện các quy định pháp luật về an toàn lao động cơ bản đã hoàn thiện nhưng vấn đề áp dụng tại mỗi nơi vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, tuỳ mỗi ngành nghề, điều kiện làm việc phải hoàn thiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc áp dụng gắn với thực tế.

Chú thích ảnh
Ban chỉ đạo thông tin về Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.

Còn với chủ đề giảm căng thẳng nơi làm việc do tại các cuộc đối thoại với người lao động trong thời gian qua luôn nhận được phản ánh làm việc theo dây truyền căng thẳng, áp lực làm thêm, áp lực phải làm đảm bảo đủ đơn hàng… Do đó, giải pháp mà cơ quan chức năng đề xuất bố trí làm luân phiên, ứng dụng công nghệ thông tin…

Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn kiến nghị giảm giờ làm, tăng thu nhập cho người lao động; giao cho Viện Công nhân Công đoàn nghiên cứu các biện pháp cải thiện sức khoẻ cho người lao động; phát động cuộc thi video tập thể dục giữa giờ trong các tổ chức công đoàn…

“Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trùng với Tháng Công nhân. Trong tháng này, các đoàn, các cấp cũng phát động lồng ghép các chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn lao động bởi đây là điều kiện về môi trường làm việc”, ông Nguyễn Mạnh Kiên cho biết.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, năm 2022, toàn quốc xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, làm 7.923 người bị nạn, làm 754 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hạn tài sản là trên 14,1 ngàn tỷ đồng.

Năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho 8.164 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề ghiệp, tổng chi từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm là gần 882 tỷ đồng.

Theo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam

X