Ngày 8/9, Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục An toàn Lao động (10/9/2003 – 10/9/2023).
Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng Lê Văn Thanh; lãnh đạo Đảng ủy, Công đoàn, Văn phòng Ban cán sự Đảng cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); lãnh đạo các đơn vị làm công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động qua các thời kỳ của Cục An toàn Lao động…
Tạo đột phá trong công tác ATVSLĐ
Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng, cho biết: Cục An toàn lao động có quá trình thành lập và phát triển gắn liền với các thời kỳ phát triển của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tại Nghị định số 172-CP ngày 26/10/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động, Vụ Bảo hộ lao động (đơn vị tiền thân của Cục An toàn lao động) được thành lập. Qua các thời kỳ phát triển và trước yêu cầu thực tiễn đồng thời đáp ứng đối với công tác quản lý ATVSLĐ, đơn vị đã được kiện toàn về chức, nhiệm vụ, thay đổi tên gọi cho phù hợp.
Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục An toàn Lao động đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, chính sách về ATVSLĐ, chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, sự phát triển của doanh nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; tạo đột phá cho công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ.
Cục An toàn Lao động cũng đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền quyết định chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về 0% với gói hỗ trợ gần 4.164 tỷ cho khoảng 390 nghìn doanh nghiệp và 11,6 triệu người lao động (giảm bớt khó khăn cho người lao động trong đại dịch Covid-19); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 17 về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội…
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ ngày càng được đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ, chú trọng tới công tác tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế với công việc của người lao động; giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ.
Việc đào tạo, huấn luyện người làm công tác ATVSLĐ được tăng cường. Nhờ cơ chế xã hội hóa trong các hoạt động huấn luyện, cho phép sự tham gia của các chủ thể khác trong xã hội và tách bạch việc quản lý nhà nước với các hoạt động cung cấp dịch vụ ATVSLĐ.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra tiếp tục được quan tâm, tập trung vào các địa bàn có nhiều nguy cơ tai nạn và các tổ chức dịch vụ huấn luyện và kiểm định huấn luyện ATVSLĐ nhằm kiểm soát chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Việc tăng cường, chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong công tác ATVSLĐ, giúp cho người sử dụng lao động và người lao động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp.
Hội nhập quốc tế về ATVSLĐ là một trong những nỗ lực nổi bật của Việt Nam trong nhiều năm qua. Cục An toàn Lao động đã tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật của ILO, Tổ chức Y tế thế giới, các nước phát triển như: Nhật, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần lan, Luých xăm bua, Trung quốc, các nước trong ASEAN, cũng như Hiệp hội an toàn mỏ thế giới, Công ty 3M, Tổ chức Hiệp hội khí Công nghiệp Châu Á…
Khẳng định vai trò quan trọng của ATVSLĐ
Tại buổi Lễ, thay mặt Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã ghi nhận, biểu dương những kết quả, đóng góp trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ của Cục An toàn lao động suốt chặng đường 20 năm hình thành và phát triển. Những thành tích của Cục đạt được trong những năm qua đã góp phần vào thành tựu chung của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và của cả nước trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho rằng: Công tác ATVSLĐ đóng một vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng không những đối với doanh nghiệp, người lao động mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, công tác ATVSLĐ đứng trước những khó khăn, thách thức mới như: việc sử dụng các máy móc, thiết bị, vật liệu, công nghệ mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATVSLĐ; sự phát triển của công nghệ sinh học, hóa học, thông tin sẽ phát sinh những bệnh nghề nghiệp mới mang tính chất nguy hiểm hơn so với thời kỳ lao động thủ công đơn giản. Cùng với đó việc quản lý ATVSLĐ trong điều kiện hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi sự hợp tác và tuân thủ với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tránh chồng chéo; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn về công tác ATVSLĐ, góp phần đưa những quy định của pháp luật về ATVSLĐ vào cuộc sống và trở thành văn hóa của doanh nghiệp. Tiếp tục công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các thành phần xã hội được tham gia các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực ATVSLĐ. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển để công tác ATVSLĐ của Việt Nam phát triển nhanh, hiện đại và hội nhập quốc tế sâu, rộng toàn diện hơn. Qua đó, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, giảm tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn.
Theo Chí Tâm – Tạp chí Lao động & Xã hội