Nguy hiểm bụi mịn đi thẳng vào phổi

TTO – Bụi mịn đang gây hại nghiêm trọng ở Hà Nội và TP.HCM. Nghiên cứu gần đây cảnh báo tại VN bụi mịn rất nhiều, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Nguy hiểm bụi mịn đi thẳng vào phổi - Ảnh 1.
Nồng độ bụi mịn ở các thành phố lớn ngày càng tăng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các nhà khoa học và chuyên gia y tế lo lắng vì tần suất bụi ngày càng tăng…

Trong tháng vừa qua, nhiều người ở Hà Nội cảm thấy ngột ngạt, không khí mờ mịt vì bụi lơ lửng trong không khí, mức độ ô nhiễm càng cao ở các điểm có nhiều phương tiện qua lại.

Chị Thùy, người Hà Nội, cho hay những ngày tháng 1 chị thấy khó thở, ho. Chị và nhiều đồng nghiệp luôn phải đóng kín cửa, bịt kín các khe hở trên cửa, sắm thiết bị lọc không khí.

Có những thời điểm trong tháng 1-2019, nồng độ bụi mịn vượt mức 100, gấp trên 2 lần quy chuẩn quốc gia và trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Loại bụi mịn này hình thành từ các chất như carbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.

Ông Hoàng Dương Tùng

Hà Nội và TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Năm 2019, nhiều ngày bụi liên tục lơ lửng trong không khí, gây tình trạng khó chịu cho sức khỏe nhiều người.

Do bụi mịn PM2.5 với kích cỡ li ti bằng 1/30 sợi tóc nên được coi là “sát thủ” nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào cơ thể, gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp.

Ô nhiễm không khí đã tới mức gây hại

Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng – nơi đang có các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, Hà Nội, trong những ngày hanh khô, dọc tuyến đường này bao trùm khói bụi. Dọc hai bên đường, nhà dân bị phủ những lớp bụi dày do các phương tiện giao thông qua lại cuốn lên.

Tuyến đường Phạm Văn Đồng giống như “điểm đen” về ô nhiễm không khí, điều đó được phản ánh qua kết quả quan trắc chất lượng không khí nơi đây luôn ở mức cao nhất trong 10 điểm đo không khí của Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn tại Việt Nam đã nhiều lần được báo động, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Theo các chuyên gia, với ngưỡng phân chia chất lượng không khí thành 5 nhóm tác động đến sức khỏe con người từ: tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở nhóm kém trong quý 1 của năm rồi.

Gần đây nhất, số liệu quan trắc tại 10 trạm đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội do Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội thực hiện cho thấy tuần từ ngày 20 đến 26-1-2019, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội suy giảm rõ rệt so với những tuần trước đó, nhiều nơi ở mức kém và xấu.

Nguy hiểm bụi mịn đi thẳng vào phổi - Ảnh 3.

Công trình thi công đào đường hạ ngầm trên phố Thụy Khuê, Hà Nội từ cuối năm 2018. sau đào đường dùng đá bẩn san lấp, gặp mưa cả phố ngập bùn cát pha loãng, khi hanh khô trở thành nguồn bụi gây ô nhiễm không khí – Ảnh: X.LONG

Cảnh báo ở TP.HCM

Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn cũng là thực trạng đáng báo động ở TP.HCM, dù các chỉ số có dấu hiệu tích cực hơn so với chất lượng không khí ở Hà Nội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Anh Thư, cán bộ nghiên cứu về chất lượng không khí của GreenID, cho biết trong 3 năm gần đây, GreenID đều tiến hành các báo cáo định kỳ đánh giá chất lượng không khí ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM.

“Theo những đánh giá của chúng tôi và các báo cáo chất lượng không khí trong những năm gần đây thì hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đang phải đối mặt với ô nhiễm bụi, nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí vẫn ở mức cao” – bà Anh Thư nhận định.

Theo các chuyên gia về chất lượng không khí, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM khiến chất lượng không khí ngày càng kém.

Bà Anh Thư cho rằng sự gia tăng của các nguồn gây ô nhiễm nội ô như số lượng các phương tiện giao thông, các hoạt động xây dựng, các hoạt động sinh hoạt của người dân là nguyên nhân hàng đầu khiến chất lượng không khí suy giảm.

“Quy hoạch đô thị trong các TP lớn có quá nhiều nhà cao tầng cùng với các điều kiện thời tiết như nghịch nhiệt khiến khối không khí bị ô nhiễm không thể phát tán lên cao. Ngoài ra, các nguồn khí thải bên ngoài theo hướng gió, đặc biệt là từ các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng cũng ảnh hưởng tới miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng” – bà Thư nói.

Bụi mịn đi thẳng vào phổi

Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội diễn biến ở mức xấu và nguy hại trong những tuần đầu năm 2019, ông Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN – cho rằng hoạt động giao thông ở Hà Nội trong những ngày qua tăng đột biến về số lượng phương tiện, tình trạng ùn tắc kéo dài ở nhiều điểm trên địa bàn TP dẫn tới chất lượng không khí suy giảm và ô nhiễm.

Ngoài ra, quy luật là càng lên cao thì nhiệt độ càng thấp, khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra trong những ngày mùa đông, càng lên cao thì nhiệt độ không khí càng cao. Khi đó, lớp nghịch nhiệt sẽ ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao, các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao khiến môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề.

Theo ông Tùng, chỉ số ô nhiễm bụi PM2.5 lên cao ở các TP lớn là điều rất đáng ngại bởi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, có thể đi thẳng vào phổi. Loại bụi này hình thành từ các chất như carbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn ô nhiễm không khí gây tình trạng khó chịu, khó thở, viêm mãn tính âm thầm, nhưng về lâu dài khi người đó tuổi cao, sức đề kháng giảm, ô nhiễm không khí có thể gây nhiều loại bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính. Chất lượng môi trường không khí cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em.

Một số nước cũng có những thời điểm nồng độ bụi mịn cao trong một số ngày giống Việt Nam như Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đang có những hành động rất mạnh trong khống chế nồng độ bụi mịn.

Mỗi khi nồng độ bụi mịn chạm mức 50 mg/m3, Phòng phụ trách quản lý môi trường ở Seoul sẽ gửi tin nhắn cho người dân để người già, trẻ em hạn chế ra đường, miễn phí phương tiện công cộng trong giờ cao điểm…

Nhưng tại VN, các cơ quan thực thi pháp luật khá chậm trễ trong việc xử lý phương tiện chở đất đá không có bạt che, làm rơi vãi đất đá ra môi trường cũng như cung cấp xe hút bụi, tưới đường nhằm hạn chế bớt bụi, bảo vệ sức khỏe người dân.

Đã ba năm nay, vấn đề bụi không khí được nhắc tới nhiều, nhưng xử lý tình trạng này lại có dấu hiệu thụt lùi, ví dụ như ở Hà Nội gần đây xe hút bụi rất ít hoạt động. Bảo vệ sức khỏe người dân trước hết phải từ dự phòng và bảo vệ môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư – cán bộ nghiên cứu về chất lượng không khí của GreenID, để cải thiện ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM, cần phải có sự chung tay giữa chính quyền và người dân, đồng thời cũng cần sự phối hợp giữa các ban ngành khác nhau.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung:

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường nghiêm trọng

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thực trạng ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng của Hà Nội.

Theo ông Chung, ô nhiễm không khí ở Hà Nội có 2 nguồn gây ô nhiễm chính là tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng, các công trường xây dựng và nguồn thải từ lượng ôtô, xe máy lưu thông quá lớn với 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ôtô. Để đánh giá hiện trạng không khí, năm 2018 Hà Nội đã lắp đặt 11 trạm quan trắc không khí.

Ông Chung cho biết trong năm 2019, 2020, Hà Nội phấn đấu lắp đặt thêm 95 trạm quan trắc không khí tầm thấp, tầm cao, đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước của các dòng sông.

Ngoài ra, để cải thiện ô nhiễm không khí, Hà Nội đang thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Đến năm 2020 phấn đấu trồng thêm 600.000 cây xanh.

Đồng thời tiếp tục chiến dịch hỗ trợ kinh phí để người dân giảm sử dụng than tổ ong, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc dùng than tổ ong để hạn chế nguồn gây ô nhiễm.

Theo Tuổi trẻ online

X