Nguy hại khi các vụ cháy xảy ra liên tiếp

Cháy cơ sở phế liệu ở An Giang

Mỗi vụ cháy lớn ở các chợ, TTTM đều khiến hàng trăm tiểu thương trắng tay, rơi vào cảnh nợ nần. Nhiều vụ tới nay vẫn là bài học đau xót về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công thương, hiện toàn quốc có trên 8.600 chợ và hơn 1.200 trung tâm thương mại (TTTM), trung bình mỗi năm có khoảng 50 chợ và 150 TTTM mới ra đời. Đây cũng chính là một trong những loại hình cơ sở xếp loại đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ, với thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nặng.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thời gian qua, cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy chợ và TTTM, làm chết và bị thương 12 người, thiêu rụi gần 900 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ 18 vụ cháy lớn trong số 129 vụ đó đã thiệt hại gần 773 tỷ đồng. Nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng an sinh xã hội, ngừng trệ buôn bán, chi phí khắc phục hậu quả thì thiệt hại sẽ gấp khoảng 3 lần. Sáng sớm 9-2-2012, nhằm dịp Tết Nguyên đán, “bà hỏa” đã “hóa vàng” chợ Quảng Ngãi. Sau 7 giờ bị nung trong lửa, gần 200 tỷ đồng hàng hóa, tài sản, chưa kể khung chợ, đã biến thành tro bụi. Vụ cháy đã làm gần 700 hộ kinh doanh, buôn bán mất hết tài sản. Ngày 16-12-2013, hơn 30 ki ốt của chợ Nhà Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng cháy rụi, cửa sắt bị đổ, mái tôn đổ sập, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Mới đây, ngày 19-3-2014, chợ Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên cũng bốc cháy, 50 tỷ đồng tan thành tro.
Không chỉ các khu chợ, do buôn bán nhiều hàng hóa pha tạp cùng những loại hóa chất dễ gây cháy nổ mà tại các TTTM lớn, nơi được xem là tổ chức hàng hóa quy củ, nhưng công tác PCCC cũng rất kém hiệu quả, dẫn đến những vụ cháy kinh hoàng. Mới đây nhất là vụ cháy TTTM Hải Dương, tỉnh Hải Dương vào ngày 15-9-2013, gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng, trong đó có 400 tỷ đồng là hàng hóa của tiểu thương. Đám cháy diễn ra gần nửa ngày trời, thiêu trụi hàng trăm gian hàng tại tầng 1 và tầng 2.
Qua phân tích nguyên nhân của các vụ cháy lớn tại các chợ, TTTM cho thấy, có đến 80% xảy ra ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ; 47% do hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC, trên 33% do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng trong chợ. Ngoài sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của người dân, người kinh doanh buôn bán trong chợ, thì điều đáng nói là nhiều cơ quan chủ quan, ban quản lý chợ, TTTM chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, thiếu sự quan tâm hoặc coi nhẹ công tác PCCC, thậm chí cố tình vi phạm quy định PCCC, có thái độ phó mặc cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn.
Tại cuộc hội thảo khoa học “Tổ chức các hoạt động phòng cháy và chữa cháy chợ, TTTM” vừa được tổ chức tháng 6-2014, các đại biểu đã chỉ ra rằng, yếu tố quan trọng nhất trong công tác PCCC chính là ý thức con người, bao gồm cả cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ, người tham gia kinh doanh, mua bán trong chợ, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác, đề phòng cháy nổ.
Với cơ quan chủ quản, các đại biểu đề nghị cần rà soát, xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC đối với chợ, TTTM như đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, báo cháy, chữa cháy, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nước chữa cháy… Ngoài ra, cũng phải đảm bảo nguồn kinh phí để tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ; có các biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót, sơ hở có thể dẫn đến cháy nổ.
Ban quản lý chợ, TTTM cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC cho các hộ kinh doanh, khách mua hàng, tham quan thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, các đoạn video tuyên truyền nguyên nhân gây cháy, cách phòng tránh và xử lý khi có cháy xảy ra; thường xuyên nhắc nhở công tác đảm bảo an toàn PCCC, nhất là vào giờ cao điểm có đông khách và khi chợ, TTTM sắp đóng cửa. Thường xuyên tự kiểm tra công tác PCCC để kịp thời phát hiện những thiếu sót có thể gây cháy; kiên quyết giải tỏa lấn chiếm, tạo đường cho xe chữa cháy hoạt động, quản lý chặt việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng trong chợ, TTTM… Duy trì tốt hoạt động, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC tại chỗ, tổ chức ứng trực 24/24 giờ trong ngày.
Người kinh doanh hay mua hàng cũng đều phải nhận thức rõ thực hiện tốt các quy định PCCC là bảo vệ chính mình và tài sản của mình, tự trang bị các kiến thức PCCC cơ bản. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn cũng cần tham mưu cho UBND các địa phương chỉ đạo các biện pháp, giải pháp PCCC; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định PCCC, kể cả áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ chợ để khắc phục, sửa chữa nếu không đảm bảo an toàn về PCCC.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những nghiên cứu thay đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tế công tác PCCC hiện nay. Đơn cử như kiến nghị của trung tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ quận 1, TP.Hồ Chí Minh về việc chưa có chất chữa cháy phù hợp đối với một số loại hình đặc biệt như chợ Kim Biên (TPHCM) chuyên kinh doanh, buôn bán đủ loại hóa chất số lượng lớn; hay hiện chưa có giáo trình, tài liệu cụ thể về chiến thuật chữa cháy cho những TTTM có tính chất đặc biệt như có kiến trúc phức tạp, bố trí trên cao hay dưới tầng hầm các TTTM… nếu không may xảy ra cháy nổ, việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.
Thanh Hòa

X