QUẢN LÝ “MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ, CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG” TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là máy, thiết bị, vật tư, chất trong điều kiện lưu trữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trong quá trình lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người (Điều 28, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015).

Trong lịch sử phát triển của loài người, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ I là cơ khí hóa đã phát minh ra các loại máy móc để thay thế, giải phóng sức lao động cho con người. Điều này cho thấy, con người chúng ta đã không phải làm việc nặng nhọc và trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm có hại… Nhưng điều đó cũng chưa thể giải quyết tận gốc được việc triệt tiêu triệt để các nguy cơ gây tai nạn cho con người. Tiếp theo đó, cùng với sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ II, III là ứng dụng điện – điều khiển, tự động hóa đối với tất cả các máy móc, thiết bị nhằm giải phóng hơn nữa sức lao động cho con người. Nhưng trong thực tế hoạt động sản xuất, các máy thiết bị phục vụ sản xuất này vẫn luôn tiềm ẩn các nguy cơ có khả năng gây ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thậm chí là thảm họa cho con người.

Do vậy, vấn đề quản lý các loại máy, thiết bị phục vụ trong việc sản xuất (đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp nặng) được Chính phủ của các quốc gia có nền công nghiệp phát triển đặc biệt lưu tâm trong việc ban hành về chính sách quản lý phù hợp.

Như đã đề cập sơ bộ ở trên, các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động luôn tiềm ẩn các nguy cơ có thể gây tai nạn, thảm họa rất cao cho con người và môi trường làm việc. Chúng ta có thể liệt kê một số các nguy cơ có thể gây tai nạn từ các máy, thiết bị này như:

– Cháy – nổ nồi hơi, thiết bị áp lực

– Đứt cáp, đổ – sập các loại cần trục, thiết bị nâng – chuyển…

– Các nguy cơ về điện như: Điện giật, chập điện gây ra cháy, nổ…

– Rò rỉ hoá chất, phóng xạ…

Song cùng với đó, phạm vi hoạt động, làm việc của các loại máy, thiết bị này là tương đối rộng trong các lĩnh vực công nghiệp của nền kinh tế quốc dân như: Xây dựng, sản xuất hóa chất, điện, dầu khí, khai thác khoáng sản…

Đứng trước những vấn đề này, từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ XX. Tiên phong là Chính phủ các nước Âu châu đã đặt ra vấn đề phải quản lý các loại thiết bị này, với mục đích là nhằm giảm thiểu các sự cố tai nạn xảy ra tại nơi làm việc. Đặc biệt là đưa ra vấn đề ưu tiên quản lý các loại nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Sau đó đến các loại thiết bị nâng – chuyển sử dụng trên các công trường xây dựng và các lĩnh vực công nghiệp khác.

Ở Việt Nam, sau khi Luật Lao động năm 1994 được ban hành và có hiệu lực. Vấn đề quản lý trong chế tạo, vận hành, sử dụng, lưu trữ và bảo quản, vận chuyển các loại thiết bị này cũng được quy định và ưu tiên phải thực hiện. Đầu tiên phải kể đến là quy định về quản lý trong chế tạo, vận hành, sử dụng, lưu trữ và bảo quản, vận chuyển các loại nồi hơi – thiết bị áp lực, các loại thiết bị nâng – chuyển, các thiết bị trò trơi như: tàu lượn, đu quay, máng trượt mang theo người…

Năm 2015, Luật An toàn vệ sinh lao động được ban hành và có hiệu lực, cũng quy định trong việc quản lý trong chế tạo, vận hành, sử dụng, lưu trữ và bảo quản, vận chuyển các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Hình 1. Sơ đồ Hệ thống VBQPPL của nhà nước quy định về quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động

Về danh mục các thiết bị này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2019 về danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ, ngành khác như: Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN… xây dựng, ban hành danh mục các loại máy, thiết bị khác theo lĩnh vực quản lý ngành dọc của các Bộ, ngành đó (cụ thể như: Danh mục các hoá chất nguy hại do Bộ Công thương ban hành; Lĩnh vực hạt nhân – phóng xạ do Bộ KH&CN ban hành…).

Quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động:

* Về hệ thống quản lý:

– Trách nhiệm quản lý nhà nước về ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động cụ thể như sau:

+ Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành xây dựng, đề nghị danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành mình quản lý.

– Về phân cấp quản lý nhà nước trong việc quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động. Trong đó vai trò, trách nhiệm chính thực hiện việc quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Hình 2. Sơ đồ phân cấp quản lý nhà nước trong việc quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động

– Thẩm quyền trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, Chính phủ giao cho các Bộ, Sở, cơ quan ban ngành có liên quan quản lý trực tiếp trong phạm vi quản lý theo ngành dọc thuộc thẩm quyền của các Bộ, Sở, Ban, ngành. Trong đó, đại diện các Bộ, Sở, cơ quan ban ngành trực tiếp quản lý trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là các Cục, Vụ thuộc Bộ, các cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc Sở, cơ quan ban ngành. Ngoài ra, thẩm quyền trong việc thanh kiểm tra và xử phạt hành chính cũng được giao cho các cơ quan chính cấp đại phương như: Tỉnh, thành phố, quận, huyện (được quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

* Về phạm vi quản lý:

Về phạm vi quản lý các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, Chính phủ giao các Bộ, Sở, cơ quan ban, ngành quản lý trong các phạm vi cụ thể như sau:

– Quản lý trong việc thiết kế, chế tạo;

– Quản lý trong việc nhập khẩu, phân phối;

– Quản lý trong việc lắp đặt;

– Quản lý trong việc vận hành, sửa chữa;

– Quản lý trong việc kiểm định kỹ thuật an toàn, kiểm tra.

* Quy định về nội dung quản lý:

Ở Việt Nam cũng như các nước phát triển khác trên thế giới, quy định về nội dung quản lý các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động cũng được nhà nước phân cấp quản lý theo hệ tài liệu quy chuẩn – tiêu chuẩn về kỹ thuật cụ thể như sau:

– Quản lý theo Quy chuẩn quốc gia bắt buộc thực hiện khi viện dẫn: Trên cơ sở các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng và ban hành Quy chuẩn bắt buộc thực hiện theo phạm vi quản lý (Ví dụ như: Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia…).

– Quản lý theo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia khuyến khích áp dụng thực hiện: Trên cơ sở các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng và ban hành khuyến khích áp dụng thực hiện theo phạm vi quản lý (Ví dụ như: các Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia…).

– Quản lý theo Quy trình kỹ thuật an toàn áp dụng thực hiện đối với mỗi loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động: Trên cơ sở các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng và ban hành Quy trình bắt buộc thực hiện theo phạm vi quản lý (Ví dụ như: các Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn…)./.

Thạc sĩ Trần Xuân Hiển

X