THỨ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI LÊ VĂN THANH THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TRUNG TÂM QUỐC GIA VỀ AN TOÀN – VỆ SINH LAO ĐỘNG

Sáng 03/02/2023 tại cơ sở huấn luyện thực hành và thí nghiệm, thử nghiệm tại phường Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội thuộc Trung tâm Quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động, thứ trưởng Lê Văn Thanh đã có buổi thăm và làm việc cùng đi có  cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng.

Nhân dịp đầu Xuân năm mới  và ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, theo lời Bác Hồ kính yêu đã phát động Tết trồng cây: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” thứ trưởng đã tham gia phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại

Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng ông Nguyễn Thanh Hưng giám đốc Trung tâm đã báo cáo  tình hình hoạt động của Trung tâm như sau:

Thứ trưởng Lê Văn Thanh  làm việc với Lãnh đạo Cục An toàn lao động và Lãnh đạo Trung tâm Quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động

Trung tâm Quốc  gia về An  toàn – vệ sinh lao động được thành lập vào ngày 16/08/2004 theo quyết định số 1176/2004/QĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội và được kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức lại theo quyết định số  16/QĐ-LĐTBXH ngày 08/01/2021 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Về đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động hiện Trung tâm có tổng số 47 người (trình độ đại học 42 người trong đó 24 người có trình độ thạc sỹ; 01 người có trình độ tiến sỹ)

Từ khi thành lập đến nay Trung tâm luôn có sự phát triển không ngừng, là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, ngoài việc thực hiện các hoạt động dịch vụ về ATVSLĐ theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ giao để có nguồn kinh phí duy trì các hoạt động chi thường xuyên cho đơn vị, và chi đầu tư trong hoạt động sản xuất, Trung tâm luôn quan tâm đến nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước và đã thu được nhiều kết quả tích cực, các hoạt động của Trung tâm là phù hợp với danh mục dịch vụ công trong công tác ATVSLĐ cụ thể ở một số lĩnh vực như sau:

– Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng theo quy định của pháp luật (mỗi năm huấn luyện cho hàng chục nghìn lượt Người sử dung lao động, cán bộ an toàn, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, cán bộ y tế … giúp nâng cao nhận thức trong công tác ATVSLĐ nhằm ngăn ngừa rủi ro và tai nạn lao động)

– Huấn luyện, bồi dưỡng huấn luyện viên, giảng viên về An toàn vệ sinh lao động (mỗi năm huấn luyện, bồi dưỡng cho gần 1000 huấn luyện viên và giảng viên ATVSLĐ)

– Đào tạo  sơ cấp nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (mỗi năm đào tạo cho khoảng 600 người lao động)

– Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên, kỹ thuật viên điểm định kỹ thuật an toàn lao động (Mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng cho trên 100 kiểm định viên)

– Kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về An toàn, vệ sinh lao động (Mỗi năm kiếm đinh hàng ngàn thiết bị cho hàng trăm doanh nghiệp)

– Thực hiện quan trắc môi trường lao động; đánh giá điều kiện lao động, tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my (mỗi năm thực hiện đo hàng ngàn mẫu đo môi trường lao động cho khoảng 100 doanh nghiệp trên địa bàn cả nước)

– Biên soạn tài liệu, nội dung, chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; nghiên cứu khoa học; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, chuyển giao các chương trình huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

– Tham gia kiểm tra, đánh giá chất lượng các hoạt động huấn luyện, đào tạo về an toàn, vệ sinh lao động.

– Tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia đào tạo, bồi dưỡng về an toàn, vệ sinh lao động theo sự phân công của Bộ.

Tại cơ sở huấn luyện thực hành của Trung tâm tại Sơn Tây đã được  “Dự án phát triển nâng cao năng lực cho Trung tâm Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thành Trung tâm Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động” từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA). Với mục tiêu đạt được cụ thể là đào tạo cho Trung tâm Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động có đội ngũ chuyên gia, giảng viên chuyên nghiệp về các lĩnh vực kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động và xây dựng cơ sở vật chất huấn luyện thực hành hiện đại, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu thực tế cho công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020. Kinh phí của Dự án 3.4 triệu USD và được chia làm ba hạng mục chính: Đào tạo chuyên gia (trình độ Thạc sỹ), giảng viên về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động; cung cấp lắp đặt các trang thiết bị phục vụ đào tạo thực hành về an toàn vệ sinh lao động; xây dựng cơ sở vật chất cho cơ sở đào tạo lý thuyết và thực hành về an toàn vệ sinh lao động.

Về hợp tác quốc tế Ngoài các hoạt động trong công tác chuyên môn, Trung tâm cũng tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế như: đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn chuyên gia quốc tế thuộc các tổ chức như: KOICA, KOSHA, JICA, đoàn Bộ Phúc lợi Lao động Lào…. Thông qua hoạt động quốc tế. Trong những năm qua, hàng chục lượt cán bộ của Trung tâm được đào tạo huấn luyện về ATVSLĐ ở Đan Mạch, Hàn Quốc, Malaixia, Singapo. Từ các hoạt động hợp tác quốc tế, trình độ, năng lực của cán bộ, viên chức của Trung tâm được nâng lên đáng kể.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh thăm Xưởng thực hành của Trung tâm

Tại buổi làm việc Thứ trưởng đã ghi nhận những thành tích đã đạt được của Trung tâm trong những năm qua và có ý kiến chỉ đạo như sau:

– Trung tâm Quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động là một đơn vị sự nghiệp công thuộc Cục An toàn lao động để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực An toàn – vệ sinh lao động qua báo cáo cho thấy Trung tâm đã thực hiện tốt rất nhiều nội dung trong lĩnh vực này tuy nhiên trong quá trình hoạt động khi làm việc thực tế với các doanh nghiệp nếu thấy có vấn đề cần phải điều chỉnh thì kịp thời báo cáo với Cục an toàn lao động để kịp thời có điều chỉnh phù hợp.

– Tên đơn vị “Trung tâm Quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động” đã được khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này vì vậy cần được phát huy, phải luôn giữ chất lượng uy tín trong các dịch vụ về an toàn vệ sinh lao động hiện nay như huấn luyện an toàn lao động, quan trắc môi trưởng lao  động, kiểm định máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động… hiện đã làm tốt rồi nhưng vì thương hiệu của mình thì càng phải tốt hơn nữa. Chú trọng phát triển năng lực cán bộ, đào tạo nâng cao chất lượng và mang tính kế thừa từ lớp này tới lớp kế cận.

– Tham khảo các môhình hoạt động của các nước tiên tiến nếu thấy hay và tốt thì có thể học hỏi ví dụ như việc quản lý thanh máy của Hàn Quốc hoặc Phòng thí nghiệm phương tiện bảo vệ cá nhân của Kosha Hàn Quốc.

– Tham gia các dịch vụ công trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần phải bám sát xem đặt hàng hoặc nhu cầu như thế nào thì sẽ xây dựng được lộ trình kế hoạch phát triển lâu dài ví dụ như phối hợp với công ty xuất khẩu lao động về việc huấn luyện cho đối tượng chuẩn bị đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.

Cuối cùng đầu Xuân năm mới 2023 Thứ trưởng Chúc toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quốc gia về an toàn – vệ sinh lao động luôn mạnh khỏe, chúc Trung tâm luôn phát triển và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được Bộ giao./.

Nguyễn Thu Phương

X